Không có môn học phụ trong giáo dục
Từ lâu, các môn trong trường học không quy định môn nào chính, môn nào phụ. Tuy nhiên, trên thực tế, một số môn học thường bị coi là môn phụ, vì những môn đó không phải thi tốt nghiệp hoặc không là môn thi vào cao đẳng, đại học nên việc dạy và học những môn này có lúc, có nơi đã bị xem nhẹ.
Trong những năm gần đây, vấn đề vi phạm đạo đức, thậm chí cả nghiện ma túy, vi phạm pháp luật của một bộ phận học sinh, sinh viên khiến các bậc phụ huynh và toàn xã hội trở nên lo lắng. Để đào tạo một con người trở thành người có đạo đức, nhân cách và kiến thức cần rất nhiều yếu tố. Bên cạnh việc mỗi bậc phụ huynh, thầy, cô giáo coi trọng vai trò làm gương, làm mẫu thì việc giáo dục giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh. Các môn học được xác định trong hệ thống giáo dục từ nhiều năm qua đã có những tác động, ảnh hưởng tích cực đến quá trình này.
Tuy nhiên, tình trạng học lệch, học tủ của học sinh diễn ra khá phổ biến. Những môn học như: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học luôn được coi trọng. Những giáo viên dạy các môn này thường được phụ huynh và học sinh đề cao. Cũng vì thế mà không ít giáo viên đã có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần nhờ dạy thêm các môn học này. Trái lại, những môn học như: Giáo dục công dân, Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc… thường bị xem nhẹ cả việc dạy và học.
Trong chương trình giáo dục, mỗi môn học đều có những nội dung, mục đích riêng mà môn học đó hướng đến. Ví như môn Giáo dục công dân hướng học sinh đến những giá trị lành mạnh, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình, dòng họ và những điều “chân, thiện, mỹ” trong cuộc sống; môn Thể dục trang bị cho học sinh kỹ năng rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, trí lực; môn Âm nhạc giúp học sinh phát triển trí tưởng tượng, biết hưởng thụ những tác phẩm âm nhạc hay… Đây là những môn học cơ bản, không nên coi nhẹ.
Vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân đi dự đột xuất giờ Giáo dục công dân tại lớp 9/7 Trường THCS Trần Cao Vân, TP Huế. Người đứng đầu chính quyền địa phương muốn biết thực tiễn việc dạy và học môn Giáo dục công dân hiện nay ra sao. Dự xong tiết học, ông Thọ nhận xét, một tiết học Giáo dục công dân cho học sinh THCS thời lượng 30 phút là quá ít, nội dung giảng dạy còn thiếu thực tiễn, thiếu trải nghiệm, trong khi truyền đạt lý thuyết lại quá nhiều. Ông Thọ đề nghị giáo viên cần tăng cường cho học sinh đi dã ngoại, trải nghiệm thực tế, tham quan di tích, di sản, qua đó góp phần giáo dục nhân cách, con người Huế…
Qua ví dụ trên có thể thấy, từ các cấp lãnh đạo đến phụ huynh luôn mong muốn con em mình không chỉ có kiến thức, trình độ mà phải cần có đạo đức, nhân cách. Vì vậy các trường phổ thông cần coi những môn học bình đẳng như nhau, không có môn chính, môn phụ; từ đó bố trí giáo viên tương xứng đảm nhận tốt vai trò của từng môn học; khích lệ học sinh học đều tất cả các môn, xây dựng môi trường học tập bình đẳng, cùng tiến bộ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/khong-co-mon-hoc-phu-trong-giao-duc-599004