Gánh nặng đường xa
Đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới với một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Việc lớn cần bắt tay hành động ngay, nhưng vẫn không thể quên yêu cầu nuôi dưỡng bảo ban lớp lớp thế hệ kế tiếp đúng cách, hợp xu thế thời đại để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không ngừng.
Tối đầu tuần này, nhóm bạn bày tiệc tại gia để chào mừng hai người vừa nhận quyết định “hưu”, như chúng tôi thường nói là “tuyệt đối được về nhà”. Đang cao hứng, chiếc ti vi trong phòng ăn đưa hình ảnh về một khách sạn ở Mỹ, như lời biên tập viên truyền hình là khách sạn đầu tiên trên thế giới vận hành hoàn toàn nhờ trí tuệ nhân tạo - AI. Không có lễ tân, không thể nương nhờ sự trợ giúp như thường thấy khi chúng ta tới cơ sở lưu trú bất kỳ. Người sở hữu khách sạn này nói rằng ông muốn dành cho du khách quyền chủ động kiểm soát, trải nghiệm và tận hưởng cảm giác mới mẻ.
Lại nhớ một ngày trước đó, cũng VTV đưa trong bản tin thời sự 19h tin tức về một triển lãm đặc biệt tại Bảo tàng tương lai ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) - một biểu tượng về kiến trúc và công nghệ.
Người xem như lạc vào không gian viễn tưởng, cảm nhận về một xã hội tương lai - nơi chúng ta có thể làm chủ và sáng tạo chứ không thụ động chờ đợi.
Cảm giác đầu tiên khi tiếp nhận những tin tức loại này là thế hệ tương lai thật hạnh phúc, lớp trẻ có cơ hội sáng tạo và thụ hưởng thành quả từ sự phát triển không ngừng của nền văn minh nhân loại, của khoa học và công nghệ thế giới.
Bạn tôi, người thường không nhìn nhận sự kiện, vấn đề một cách độc lập mà mở rộng trong mối liên hệ với những điều có liên quan, nói rằng đó là hạnh phúc nhưng cũng là áp lực, bởi thành tựu công nghệ và tiện ích từ đó chỉ có ích với người có cơ hội, khả năng ứng dụng điều đó mà thôi. Khách sạn vận hành bởi AI, Bảo tàng tương lai giới thiệu “tri thức viễn tưởng”, bạn không thể tiến vào đó nghỉ ngơi hay tiếp nhận điều thú vị khi tri thức, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ đều ở mức “i tờ”. Và, quan trọng hơn, bạn sẽ không thể sáng tạo nên những điều tương tự để bắt kịp hay cạnh tranh với ai đó trên thương trường trong nước, chứ đừng nói là thế giới, nếu một mai thức dậy trước mắt chúng ta toàn bộ các cơ sở lưu trú đều tồn tại nhờ AI - điều đã được thế giới liên tưởng từ vài năm trước.
Không thoải mái chút nào khi tiếp nhận hướng tư duy nói trên. Người “hưu”, do khoảng cách thế hệ, lề lối cũ kỹ nên có thể phải bó tay. Nhưng lớp trẻ thì sao? Họ sẽ xoay xở thế nào giữa một thế giới tiến về phía trước như vũ bão trong lúc rất nhiều người vẫn học theo lối thụ động, nói thì nghe, hỏi mới trả lời, thiếu kỹ năng tự học chứ nói gì đến năng lực nghiên cứu. Thêm một trẻ học và tư duy theo cách đó thì liệu nền tảng đổi mới sáng tạo có mong manh thêm một chút hay không?
Không cụ thể, nhưng tôi nhớ mình đã đọc bài báo của một vị giáo sư liên quan tới vấn đề trên. Ông viết, đại ý đây là lúc thay đổi mục tiêu học tập lâu nay được ghi nhận theo quan điểm của UNESCO - học để biết, học để làm... Nay AI xuất hiện, làm thay đổi mọi thứ, nhất là giáo dục và đào tạo. Mục tiêu của sự học “để biết”, “để làm” không còn phù hợp, mà phải là “học cách làm”, “học cách biết”.
Đó là ý kiến xác đáng. Nhưng thay đổi mục tiêu thì cần thay đổi tư duy, phương pháp, nội dung chương trình, những việc tốn thời gian công sức, đòi hỏi sự thấu triệt, toàn tâm toàn ý... Giờ đây, có lẽ khoảng hai năm kể từ khi vị giáo sư nêu ý kiến đó và AI đã tung hoành khắp “thiên hạ”, chúng ta vẫn loay hoay tranh luận về dạy thêm - học thêm, về nhu cầu cho con vào “nhà trẻ... tiểu học” suốt cả ngày để phụ huynh an tâm đi làm. Ở đâu đó trên Google vẫn treo tựa đề bài báo “Học để sống hay học để thi?”, “Học để thi hay thi để học?”...
Đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới với một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc lớn cần bắt tay hành động ngay, nhưng vẫn không thể quên yêu cầu nuôi dưỡng bảo ban lớp lớp thế hệ kế tiếp đúng cách, hợp xu thế thời đại để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không ngừng.
Có lẽ, một lần nữa, dù nhiều bên có liên quan tới vấn đề tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì vẫn phải khẳng định lại rằng ngành Giáo dục là một bên gánh trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm ấy thể hiện đầu tiên ở kết quả thực chất trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đủ sức thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ganh-nang-duong-xa-690957.html