Không có ngân hàng số nếu vẫn giữ nhận thức cũ
Số hóa hoạt động ngân hàng giai đoạn hiện nay không chỉ dừng lại ở việc nâng cao hiệu quả của quy trình xử lý, mà còn tập trung vào nâng cao trải nghiệm của từng cá nhân. Tuy nhiên, các đổi mới sáng tạo tài chính hiện nay đang tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hay quy trình mới vượt ra ngoài những phạm vi của pháp luật hiện hành.
Chuyển đổi số, hoặc là chết!
Tại hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức chiều ngày 2/10, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số TPBank chia sẻ, 12h đêm ngày 1/10, cán bộ TPBank nhận mặt bằng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (nơi tổ chức Hội thảo - PV) rồi triển khai lắp LiveBank và sau 12 giờ thi công, chiếc máy tự động này đã hoạt động, giao dịch bình thường.
“Phát triển mạng lưới bằng những chiếc máy sẽ nhanh hơn từ 50 - 100 lần tốc độ phát triển mạng lưới phòng giao dịch truyền thống. Tự động hóa giúp giảm chi phí giao dịch, chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành sau này cũng chỉ bằng 1/3 - 1/4 so với một phòng giao dịch thông thường”, ông Nam nói.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng Việt Nam cũng đã ý thức rõ về tầm quan trọng của việc chuyển đổi ngân hàng số và thời gian qua đã chủ động nghiên cứu các công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động kinh doanh, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, ngoài TPBank, nhiều ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT (Internet vạn vật) cho phép khách hàng truy cập, sử dụng dịch vụ ngân hàng;
Kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet, ví dụ như dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, E-Zone của BIDV..., hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking), khách hàng có thể dùng được nhiều tính năng, tiện ích hơn so với gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch.
Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của hãng kiểm toán PwC đối với 27 quốc gia/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2019.
Tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018.
Một số ngân hàng bước đầu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot và dữ liệu lớn (Big Data) trong thu thập, phân tích, dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, cũng như phân tích dữ liệu khách hàng để hỗ trợ việc đánh giá, phân loại khách hàng và ra quyết định giải ngân, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày…
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện đã có khoảng 76 tổ chức tín dụng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức tín dụng triển khai dịch vụ thanh toán qua di động, trong đó 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán mã hóa (QR Code) và toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Về xu hướng phát triển, có tới 92% ngân hàng xây dựng chiến lược phát triển về ứng dụng trên Internet và thiết bị di động, 64% quan tâm đến chiến lược công nghệ điện toán đám mây, 48% đề cập đến chiến lược tự động hóa lao động tri thức, 16% chú ý đến chiến lược IoT.
Có thể thấy rằng, để có thể cạnh tranh và phát triển, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu.
Trong khi đó, với số dân hơn 96 triệu người, trong đó tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm hơn 55% dân số và khoảng 45,8 triệu người có tài khoản ngân hàng, tiềm năng để phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là rất lớn.
Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HÐQT Vietcombank chia sẻ, ngân hàng số là sự thay đổi tất yếu nhằm đáp ứng sự thay đổi kỳ vọng của khách hàng, được hỗ trợ bởi những đột phá trong công nghệ.
Lấy khách hàng làm trọng tâm trong các sáng kiến chuyển đổi số nhằm đem lại giá trị cho khách hàng là bí quyết thành công.
“Ðã đến lúc chuyển đổi số, hoặc là chết”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ðón nhận cái mới, cần có sự chuẩn bị chu đáo
Theo ông Trần Hoài Nam, chuyển đổi số ngân hàng không chỉ là vấn đề công nghệ. Có thể nói, chuyển đổi số giúp thay đổi hành vi khách hàng hay ngược lại, hành vi của khách hàng đang giúp thay đổi số hóa trong hoạt động ngân hàng.
Vậy công nghệ có đủ để giúp các ngân hàng chuyển đổi số? Trả lời cho vấn đề do chính mình đặt ra, ông Nam cho rằng: “Công nghệ không phải là tất cả, để chuyển đổi số thành công cần có sự thay đổi trong tư duy và suy nghĩ của lãnh đạo ngân hàng”.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước ) nhắc lại khẩu hiệu của nhiều ngân hàng trên thế giới là 3-1-0.
Con số 3 là cung cấp dịch vụ online với trải nghiệm tốt để khách hàng có thể tiếp cận món vay và đăng ký trong 3 phút; Con số 1 là trong 1 giây, hệ thống sẽ trả lời có đồng ý tiếp nhận món vay hay không, đây là câu chuyện tự động hóa quy trình; con số 0 là không có con người tham gia vào quá trình này.
“Ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời là tự động hóa các quy trình để có dữ liệu trong xử lý giao dịch nội bộ…, nhưng sẽ không có ngân hàng số, chuyển đổi số nếu vẫn trên nền tảng nhận thức cũ như chứng từ phải có chữ ký ‘tươi’ xác thực. Rõ ràng, cần sự thay đổi về nhận thức, xây dựng thể chế và hạ tầng quốc gia”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, các đổi mới sáng tạo tài chính hiện nay đang tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hay quy trình mới vượt ra ngoài những phạm vi của pháp luật hiện hành.
Tính chất phức tạp và sự phát triển quá nhanh của công nghệ tài chính cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho các nhà hoạch định chính sách không chỉ tại các nước đang phát triển, mà ngay tại những nước phát triển.
Những đổi mới mang tính cách mạng này là chưa có tiền lệ, nên chưa có một khung khổ thống nhất, chuẩn mực để ứng xử.
Cũng theo ông Sơn, mỗi quốc gia có một cách phản ứng khác nhau, nhưng tất cả các quốc gia đều đang đứng trước áp lực phải có khung pháp lý phù hợp, cân bằng được cả 2 mục tiêu.
Thứ nhất là, kịp thời hỗ trợ đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng các đổi mới sáng tạo này vào cuộc sống.
Thứ hai là, đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia, đặc biệt là người tiêu dùng.
Ông Sơn cho rằng, nếu không có sự cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận các đổi mới, sáng tạo thì nền kinh tế sẽ nhanh chóng mất đi năng lực cạnh tranh và tụt hậu.
Nhưng ngược lại, việc ứng dụng các đổi mới, sáng tạo mang tính cách mạng này vào cuộc sống mà không có sự chắc chắn về kiểm soát rủi ro và khung pháp lý rõ ràng, thì có thể hậu quả sẽ lớn hơn so với hiệu quả mà các ứng dụng này mang lại.
“Chúng ta phải có tinh thần tiên phong, sẵn sàng đón nhận những cái mới, nhưng để bền vững thì cần có sự chuẩn bị chu đáo. Trên thực tế, đi tiên phong khi chưa hiểu hết các rủi ro thì thường sẽ thất bại, nhưng đi chậm quá thì cơ hội sẽ không còn. Chúng ta có cơ hội, có tiềm năng, có định hướng phát triển…, vấn đề là làm thế nào để biến các tiềm năng và cơ hội đó thành hiện thực”, ông Sơn nói.
Ông Dũng cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech và các ngân hàng không coi chuyển đổi số là dự án công nghệ thông tin, mà là chiến lược kinh doanh của mình.
Ðiều này cho thấy, nhận thức trong hệ thống ngân hàng đã thay đổi. Quốc hội đã giao cho Chính phủ dưới hình thức quyết định để ban hành sandbox (cơ chế thử nghiệm, thí điểm áp dụng trong phạm vi hạn chế - PV) cho chuyển đổi số, đảm bảo tạo không gian cho đổi mới số.
Nói đến cái mới là phải có cách ứng xử cái mới. Nếu chúng ta cứ đòi hỏi những cái mới đều phải có quy định rồi, thì cái mới đó không sống được.
Do đó, sandbox được ra đời là cách ứng xử cái mới. Ngân hàng Nhà nước đã trình chính phủ sandbox cho ngân hàng, nhưng cách đi tiếp theo như thế nào vẫn còn phải chờ”.