Không có nghi lễ nào có thể 'đuổi' sao, giải hạn
Để có được may mắn, bình an không phải chỉ dựa vào cúng lễ, người dân cần hiểu rõ về ý nghĩa những tín ngưỡng truyền thống để tránh tin vào điều mê tín.
Ngoài ý nghĩa khởi đầu năm mới, dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm bắt đầu cho các hoạt động tín ngưỡng phong phú. Với sự ảnh hưởng từ Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo,…đi lễ chùa, xin lộc, thờ cúng tổ tiên,… trở thành những nghi lễ được người dân chú trọng. Những hoạt động này chứa đựng những ước vọng, nguyện cầu về một năm mới an lành, may mắn, mưa thuận gió hòa.
Mặc dù vậy, bên cạnh những tín ngưỡng truyền thống, vẫn còn nhiều nghi lễ như dâng sao - giải hạn, xin lộc đầu năm,… nếu không biết rõ về ý nghĩa và nguồn gốc, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào sự mơ hồ hoặc hiểu sai.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết lễ dâng sao - giải hạn là một phong tục có từ xa xưa chứ không phải mới xuất hiện.
Chiếu theo các tư liệu để lại nó có từ khoảng 500-600 năm trước. Lễ này được thực hiện đúng vào ngày rằm tháng Giêng – Tết nguyên Tiêu, khi dâng sao tập trung người xưa gọi là dâng sao hội.
Nghi lễ này dựa theo quan niệm về các vì sao tinh tú có từ Ấn Độ cổ truyền sang Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam. Theo quan niệm trên bầu trời có 9 ngôi sao quan trọng.
![Hình ảnh hàng dài người dân xếp hàng tham gia nghi lễ dâng sao - giải hạn không hiếm gặp mỗi dịp đầu xuân (Ảnh: Hữu Thắng).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_296_51431108/879fe095dadb33856aca.jpg)
Hình ảnh hàng dài người dân xếp hàng tham gia nghi lễ dâng sao - giải hạn không hiếm gặp mỗi dịp đầu xuân (Ảnh: Hữu Thắng).
Ở đây, Thượng tọa Thích Tiến Đạt lý giải: "Trên thực tế đây đều là các ngôi sao này đều có thật như sao Thái dương biểu thị cho mặt trời, Thái âm là mặt trăng, sao Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa,…Thêm hai ngôi sao liên quan đến văn hóa Ấn Độ là La hầu, Kế đô – hợp thành hệ thống cửu tinh.
Người ta quan niệm bất kể ai sinh sống trên trái đất đều bị ảnh hưởng của vũ trụ, mặt trăng, mặt trời, hệ thống sao ngũ hành. Trong số đó, có những sao "tốt", có sao "xấu". Khi những ngôi sao vận hành chiếu đến sẽ ảnh hưởng đến mùa màng, thời tiết, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần, phúc lộc của con người".
Trước ý nghĩa như vậy, người dân khi thực hành nghi lễ dâng sao với mong muốn "đuổi" sao xấu là hoàn toàn không đúng. Thay vào đó, khi một năm mới bắt đầu, việc mỗi người được ngôi sao nào chiếu mạng đều nhằm để răn dạy chúng ta soi xét lại bản thân, làm điều có ích, đúng với đạo lý.
"Nếu người nào năm nay được sao tốt thì cũng không nên chủ quan, vui mừng mà phải cố gắng lao động, sản xuất, làm việc tốt để vun đắp phúc đức của mình. Ngược lại, nếu gặp sao xấu, có nghĩa là người đó phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, tu sửa bản thân. Nếu hiểu theo nghĩa này thì dâng sao - giải hạn không có gì là xấu, đó hoàn toàn văn hóa đẹp. Xấu là người ta hiểu nhầm, nghĩ phải đóng tiền, mua hình nhân thế mạng là hết tội, đó là sai", Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho hay.
![Việt Nam có khoảng gần 8.000 lễ hội, với nhiều hoạt động tín ngưỡng phong phú, đa dạng (Ảnh: Hữu Thắng).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_296_51431108/09346d3e5770be2ee761.jpg)
Việt Nam có khoảng gần 8.000 lễ hội, với nhiều hoạt động tín ngưỡng phong phú, đa dạng (Ảnh: Hữu Thắng).
Theo Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vỹ sở dĩ có nhiều người tin vào chuyện dâng sao - giải hạn đầu năm là do bây giờ con người gặp quá nhiều bất trắc trong cuộc sống như thiên tai, dịch bệnh,… Và càng gặp những khó khăn, trắc trở con người lại càng tin vào thần linh, dẫn đến câu chuyện tràn lan việc cúng vái để dâng sao - giải hạn, xin cầu.
Chuyên gia cho rằng cần tôn trọng tín ngưỡng nhưng chúng ta bài trừ mê tín dị đoan bởi mê tín không làm cho xã hội phát triển theo hướng văn minh. Tuy nhiên, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là rất mong manh.
"Đối với hoạt động dâng sao giải hạn thực tế chỉ nhằm đáp ứng tâm lý người tin theo. Vẫn có rất nhiều người không theo cúng sao, những cuộc sống vẫn thuận lợi, may mắn, phát triển. Tín ngưỡng có thể tùy chuyện tin hay không tin, nhưng mê muội vào điều mê tín thì hoàn toàn không nên", ông Nguyễn Hùng Vỹ cho hay.
Trước những hoạt động tín ngưỡng cần phải có thiết chế để đảm bảo niềm tin vào cuộc sống cho người dân tức là thiết chế xã hội. Ngoài ra, không ngừng nâng cao trình độ dân trí để con người hướng tới những điều khoa học.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số yêu cầu các Bộ ngành, địa phương bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan…