Không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có cơ quan báo chí mạnh

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được.

Phát biểu tại hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, thống kê cho thấy doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.

Theo Thứ trưởng, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mại Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mại Hội thảo

Trích dẫn câu nói của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Gary Becker - George Bernard Shaw: "Kinh tế là nghệ thuật tạo nên phần lớn cuộc sống", Thứ trưởng nhận định: “Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được".

Tại hội thảo, PGS, TS Bùi Chí Chung - Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và truyền thông đặt vấn đề, làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó giải quyết trong một sáng một chiều?

Doanh thu từ phát hành báo in giảm chưa từng có trong lịch sử phát hành báo của Việt Nam. Doanh thu từ quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí.

PGS, TS Bùi Chí Chung chia sẻ, có nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung - cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp thông tin chính sách, tuyên truyền. Vì thế, cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi bám sát với thực tiễn thị trường, để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. Cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động.

Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”

Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”

Theo ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc, phần sức mạnh của mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Nhìn chung không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng cái phân khúc của mình thì sẽ rất hiệu quả. Báo chí nên quay trở lại với bản chất ban đầu đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp”.

Tại hội thảo, các đại biểu, diễn giả đã cùng nhau làm rõ những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam; những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam. Cùng đưa ra những dự báo, phân tích vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới…

Chia sẻ tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng, muốn chiếm lĩnh thị trường thông tin, cơ quan báo chí cần xác định, phân loại công chúng, và hướng đến tổ chức sản xuất tin tức, sản phẩm đến đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mục tiêu; trước mắt, từng bước biến công chúng thực tế thành khách hàng.

Tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trong đó tập trung vào quản trị nội bộ bảo đảm đoàn kết và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của tập thể, định vị thiết lập và mở mang các mối quan hệ; chú trọng vào chuyên nghiệp hóa đội ngũ theo hướng vừa đa kỹ năng tác nghiệp, vừa chuyên sâu vào tuyến vấn đề, phương thức sản xuất sản phẩm…

PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/khong-co-su-ho-tro-dac-luc-cua-kinh-te-khong-the-co-co-quan-bao-chi-manh-d199438.html