Không có thẻ BHYT vẫn được thanh toán trong những trường hợp này
Nghị định 188/2025/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Bảo hiểm y tế đã bổ sung một số quy định quan trọng, bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, kể cả khi chưa có hoặc chưa xuất trình thẻ BHYT
5 trường hợp vẫn được thanh toán BHYT dù chưa có thẻ
1. Trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT
Theo Khoản 2 Điều 37 của Nghị định (có hiệu lực từ ngày 15/8/2025), trẻ em dưới 6 tuổi dù chưa được cấp thẻ BHYT nhưng nếu có giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh thì vẫn được làm thủ tục khám chữa bệnh và quỹ BHYT sẽ thanh toán đầy đủ trong phạm vi quyền lợi giống như người có thẻ.
2. Người đang chờ cấp lại, đổi hoặc điều chỉnh thẻ BHYT
Khoản 3 Điều 37 quy định, những người đang làm thủ tục cấp lại, đổi thẻ hoặc điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT có thể sử dụng giấy hẹn do cơ quan BHXH cấp cùng giấy tờ tùy thân để khám chữa bệnh và được quỹ BHYT thanh toán như bình thường.

Ảnh minh họa
3. Người bị cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong chưa xuất trình được thẻ
Từ ngày 1/7/2025, theo Khoản 1 Điều 54, trong các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong, người bệnh chưa kịp xuất trình thẻ BHYT nhưng cơ sở khám chữa bệnh xác minh được họ đã tham gia BHYT thì vẫn được thanh toán chi phí điều trị.
4. Người bị mất thẻ, thẻ hỏng hoặc có sai sót thông tin
Với những trường hợp thẻ bị mất, hư hỏng, thông tin chưa chính xác hoặc chưa cập nhật nhưng đã tham gia BHYT, người bệnh vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu cơ quan chức năng xác minh được mã số BHYT đúng.
5. Người thuộc diện ngân sách nhà nước đóng BHYT nhưng chưa có thẻ
Theo quy định, nếu người bệnh thuộc nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng BHYT và đã có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm nhưng chưa được cấp thẻ thì vẫn được thanh toán sau khi được cơ quan BHXH xác nhận.
Các quy định trên giúp bảo đảm tính nhân văn, kịp thời bảo vệ sức khỏe người dân trong các tình huống cấp thiết, đồng thời hạn chế tình trạng người bệnh phải trả viện phí toàn bộ vì lý do kỹ thuật hoặc hành chính liên quan đến thẻ BHYT.
Quy định mới về mức đóng bảo hiểm y tế
Nghị định 188 cũng quy định rõ mức đóng BHYT hằng tháng theo từng nhóm đối tượng, nhằm cụ thể hóa trách nhiệm đóng góp và đảm bảo cân đối quỹ BHYT.
Mức đóng đối với nhóm do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng
Mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.
Áp dụng cho các nhóm lao động trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức (theo các điểm a, c, d, e khoản 1 Điều 12 Luật BHYT).
Mức đóng do người lao động tự đóng
Một số nhóm người lao động đặc thù như người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn hoặc các hình thức hợp đồng linh hoạt khác phải tự đóng toàn bộ 4,5% (theo điểm b, đ khoản 1 Điều 12).
Mức đóng với cán bộ, công chức tạm đình chỉ công tác
Trường hợp đang bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ nhưng chưa bị xử lý kỷ luật thì mức đóng là 4,5% của 50% mức lương tháng liền kề trước đó. Trong đó, người sử dụng lao động vẫn đóng 2/3, người lao động đóng 1/3. Nếu sau này được xác định không vi phạm pháp luật, hai bên sẽ phải truy đóng theo mức lương truy lĩnh.
Mức đóng đối với nhóm do cơ quan BHXH hoặc ngân sách nhà nước đóng
Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức, người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mức đóng được xác định là 4,5% lương cơ sở hoặc mức trợ cấp tương ứng và được cơ quan BHXH hoặc ngân sách chi trả.
Đóng BHYT theo hộ gia đình: giảm mức đóng theo số người
Người đầu tiên đóng 4,5% mức lương cơ sở.
Người thứ hai, ba, tư lần lượt đóng 70%, 60%, 50% so với người đầu tiên.
Từ người thứ năm trở đi chỉ đóng 40%.
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
Tùy theo từng đối tượng, mức hỗ trợ dao động từ 30% đến 100%. Trong đó, người thuộc hộ cận nghèo tại các xã nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng.