Không có thực phẩm chức năng nào thay thế thuốc chữa bệnh

Bộ Y tế khẳng định không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào thay thế thuốc chữa bệnh. Do đó, khi có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là nội dung phản hồi của Bộ Y tế về kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.

Theo đó, cử tri phản ánh tình trạng thuốc chữa bệnh gia truyền, các thực phẩm chức năng, dược liệu,... được quảng cáo, buôn bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chưa được cơ quan chức năng thẩm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Y tế cần kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý những hành vi buôn bán, quảng cáo không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên.

Về vấn đề cử tri nêu, Bộ Y tế cho biết hiện nay, việc quảng cáo thực phẩm được quy định chặt chẽ tại nhiều văn bản luật, như: Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, và Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

Theo đó, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để được xác nhận nội dung, trước khi thực hiện quảng cáo.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định về quảng cáo thực phẩm như, quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện, hoặc quảng cáo vượt tính năng, công dụng đã được phê duyệt.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, các trường hợp phát hiện vi phạm quảng cáo thực phẩm đều được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định, và được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ này và Cục An toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, và nền tảng mạng xã hội gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra nội dung quảng cáo.

Bộ Y tế đã thực hiện giám sát, kiểm tra, thu thập, và chuyển các bằng chứng, đường dẫn chứa nội dung vi phạm sang Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử), Bộ Công Thương (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số) để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Qua đó, nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo, và buôn bán thuốc chữa bệnh gia truyền, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Các biện pháp cụ thể mà Bộ Y tế đã triển khai bao gồm: Làm việc trực tiếp với Công ty Meta để thông báo các quy định pháp luật của Việt Nam về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, và yêu cầu phối hợp xử lý các trang Facebook vi phạm.

Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều buổi làm việc với các cơ quan chức năng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thành lập Tổ phản ứng nhanh để phối hợp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đồng thời, công bố công khai tên cơ sở, tên sản phẩm, nội dung vi phạm trên trang vfa.gov.vn và congkhaiyte.moh.gov.vn.

Thường xuyên phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, cảnh báo về an toàn thực phẩm, khuyến cáo người tiêu dùng biết rằng: Không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào thay thế thuốc chữa bệnh. Khi có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Bộ Y tế đề xuất đưa vào văn bản quy phạm pháp luật trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm. Tạm dừng các thủ tục hành chính khi có sản phẩm của tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm. Cho phép thu hồi các giấy chứng nhận liên quan, khi vi phạm có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Bộ Y tế cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng thuộc phạm vi quản lý.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khong-co-thuc-pham-chuc-nang-nao-thay-the-thuoc-chua-benh.htm