Không còn biên lai thu tiền học phí đào tạo nâng chuẩn, GV có được truy lĩnh?

Giáo viên đã hoàn thành đào tạo nâng chuẩn nhưng không còn biên lai thu tiền học phí, việc được truy lĩnh hay không là một vấn đề cần rõ.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang được tổ chức lấy ý kiến, góp ý.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định là sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 chính sách nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn.

Tại chính sách 1 có nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung phương thức đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định 71). Trong đó, bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên (thuộc đối tượng được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP) đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 01/7/2020.

Bỏ phương thức đấu thầu là hợp lý

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đại Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, ghi nhận từ thực tế khi thực hiện theo phương thức đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên, tại huyện Đắk Glong vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khiến kết quả của phương thức này chưa đạt được như kỳ vọng.

Hạn chế đầu tiên đến từ việc các cơ sở đào tạo giáo viên thiếu sự đồng đều về chất lượng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, làm giảm chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, chi phí để tham gia đấu thầu khá lớn nhưng nguồn ngân sách cho đào tạo không được phân bổ đồng đều và chưa đầy đủ, gây khó khăn cho việc tổ chức và duy trì chương trình đào tạo.

 Ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Thứ hai, việc đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối và thời gian đào tạo của phương thức đấu thầu còn hạn chế khi thiếu tính linh hoạt với nhu cầu tại địa phương.

Từ hạn chế ở kế hoạch đào tạo dẫn đến việc đánh giá và theo dõi kết quả sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng của các cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt.

Do đó, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, lược bỏ phương thức đấu thầu để tập trung thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo là phương án tối ưu, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

“Phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo sẽ giúp xác định rõ nhu cầu đào tạo của từng địa phương và cơ sở giáo dục. Từ đó dễ dàng lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp, công tác theo dõi và kiểm soát chất lượng đào tạo cũng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, phương thức này cho phép điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế, giúp giáo viên được đào tạo sát với thực tiễn.

Ở bậc mầm non, cho đến thời điểm hiện tại huyện Đắk Glong đã có một số lượng lớn giáo viên được đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn.

Kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, tổng số giáo viên mầm non thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo là khoảng 150 người. Trong đó có khoảng 100 giáo viên đã thực hiện xong việc nâng chuẩn, còn khoảng 50 giáo viên đang thực hiện việc nâng chuẩn. Tuy nhiên, tất cả giáo viên tham gia đào tạo đều theo diện tự túc.

Do đó, nếu thời gian tới giáo viên được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng chuẩn trình độ thì chắc chắn số lượng sẽ tăng lên đáng kể”, ông Lê Đại Thành chia sẻ.

 Kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, huyện Đắk Glong đã có 100 giáo viên mầm non đi đào tạo nâng chuẩn. Ảnh: NVCC

Kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, huyện Đắk Glong đã có 100 giáo viên mầm non đi đào tạo nâng chuẩn. Ảnh: NVCC

Trong khi đó tại tỉnh Thanh Hóa, quá trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non không thực hiện theo phương thức đấu thầu giữa địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên mà chỉ thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo.

Theo chia sẻ từ đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, từ quy định của Chính phủ, phương thức giao nhiệm vụ đào tạo nâng trình độ tại tỉnh chỉ được thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên.

Trên cơ sở đó, Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quản lý và đều có kinh nghiệm nhiều năm trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm giảng dạy mầm non, phổ thông.

Ưu điểm từ phương thức này mang lại là vừa tạo cơ hội cho giáo viên được tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn ngay trong tỉnh, vừa giảm bớt khó khăn trong việc đi lại cho những người tham gia đào tạo.

Theo số liệu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cung cấp, tính đến tháng 10/2023, số giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh là 17.685 người, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trở lên là 17.014 người (đạt tỉ lệ 96,21%); số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn là 671 người (tỉ lệ 3,79%).

Tính từ thời điểm Nghị định 71 có hiệu lực, số giáo viên mầm non tại huyện được cử đi đào tạo nâng chuẩn là 115 người với mức kinh phí là 2.691.000.000 đồng (Hai tỷ sáu trăm chín mươi mốt triệu đồng).

Để đạt được mục tiêu 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho hay rất cần sự phối hợp và chỉ đạo của nhiều bên.

Theo đó, mức kinh phí trên mới chỉ áp dụng cho giáo viên mầm non công lập. Dự kiến nếu các đề xuất trong dự thảo được phê duyệt và triển khai thì khi đó kinh phí dành cho đào tạo nâng trình độ chuẩn của đội ngũ giáo viên mầm non sẽ khá lớn.

Khi đó, rất cần Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh lấy từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, qua quá trình khảo sát, Sở nhận thấy vẫn còn nhiều giáo viên có tâm lý trì hoãn việc tham gia đào tạo, khiến quá trình thực hiện tại tỉnh ít nhiều bị ảnh hưởng.

Cụ thể, tại một số cơ sở giáo dục ở địa phương, vì tình trạng thiếu nhiều giáo viên thực hiện công tác giảng dạy nên không quá “mặn mà” trong việc cử nhân sự tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn.

Đối với những giáo viên có số năm công tác ngang bằng với thời gian quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn thường có tư tưởng ngại học, do đó thiếu sự chủ động trong việc đăng ký tham gia đào tạo.

Không những vậy, một số trường hợp giáo viên thuộc đối tượng đào tạo nâng trình độ chuẩn nhưng sức khỏe yếu, có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn hoặc đang có kế hoạch xin về hưu trước tuổi nên xin hoãn hoặc không có nhu cầu tham gia.

“Dù có nhiều kết quả tích cực song phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Hiện nay, với một số ngành do các cơ sở đào tạo trong tỉnh chưa mở ngành đào tạo hoặc đã mở ngành nhưng thời gian đào tạo chính quy chưa đủ 3 năm trở lên nên không đủ điều kiện đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm.

Thậm chí, có những ngành vì không đủ số lượng giáo viên đăng ký tham gia dự tuyển đã dẫn đến nhiều khó khăn cho quá trình mở lớp.

Do đó, khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 71 sẽ từng bước giải quyết được những vướng mắc trong công tác thực hiện nhiệm vụ nâng trình độ chuẩn của giáo viên trên địa bàn các tỉnh/thành.

Cụ thể là đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và đảm bảo quyền lợi đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, tư thục, dân lập trong diện phải đào tạo nâng chuẩn. Đó là quyền được hỗ trợ tiền đóng học phí, quyền được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn.

Đối với những môn chưa được áp dụng phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng do cơ sở đào tạo trong tỉnh không tổ chức được thì giáo viên có thể chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo phù hợp. Chỉ như vậy mới đảm bảo đạt mục tiêu 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Trường hợp không còn lưu giữ biên lai thu tiền học phí, giáo viên có được truy lĩnh?

Với mong muốn được nâng cao trình độ, cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai ( xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã đề xuất và xin ý kiến nhà trường cho phép đăng ký lớp đại học liên thông hệ vừa học vừa làm ngành giáo dục mầm non tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế và được cấp bằng vào năm 2022.

Ở trình độ cao đẳng, cô Duyên phải học trong 4 kỳ, mức học phí là 4.520.000 đồng/kỳ, tương đương 18.080.000 đồng/khóa đào tạo.

Mới đây, khi nghe thông tin giáo viên sẽ được hỗ trợ kinh phí học nâng trình độ chuẩn, đội ngũ giáo viên tại Trường Mầm non Hoa Mai nói chung và cô Duyên nói riêng không giấu nổi sự vui mừng khi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện.

Bên cạnh đó, cô Duyên không khỏi băn khoăn về trường hợp của mình khi đã tham gia đào tạo từ trước nhưng vì chủ quan nên không giữ lại biên lai đóng học phí thì có được truy lĩnh kinh phí này hay không?

“Biết rằng việc đăng ký đào tạo nâng chuẩn trình độ thì giáo viên là người có lợi nhất khi vừa có thêm chức danh nghề nghiệp phục vụ công tác dạy học, lại vừa được đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Tuy nhiên, so với thu nhập khiêm tốn của giáo viên mầm non, học phí tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn cũng không phải ít. Chưa kể đến những khoản chi phí khác như ăn ở, đi lại đối với những giáo viên ở xa với cơ sở đào tạo.

Do đó, nếu được Nhà nước hỗ trợ khoản học phí này thì đối với đội ngũ giáo viên chính là sự động viên, nguồn động lực lớn để chúng tôi có thể gắn bó và cống hiến với nghề”, cô giáo Nguyễn Thị Duyên chia sẻ.

 Cô giáo Nguyễn Thị Duyên (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Đại Thành cho biết: Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các giáo viên đi học nâng chuẩn tự túc và được cấp bằng từ ngày 1/7/2020 sẽ được truy lĩnh.

Tuy nhiên, đối với những giáo viên đã hoàn thành việc nâng trình độ chuẩn nhưng không còn lưu giữ biên lai đóng học phí, câu hỏi về việc có được hỗ trợ hay không là một vấn đề khá phức tạp.

Xét về nguyên tắc, nếu dự thảo quy định hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên đã hoàn thành việc nâng trình độ chuẩn mà không yêu cầu bắt buộc phải có chứng từ lưu trữ, thì các giáo viên này có thể vẫn sẽ được thanh toán.

Mặt khác, nếu được thanh toán, nguồn kinh phí này có thể được phân bổ từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn kinh phí khác theo quy định của địa phương. Cách thức phân chia sẽ phụ thuộc vào hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan tài chính liên quan.

Trên cơ sở đó, ông Thành đề xuất thêm một số giải pháp để có thể đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên đã hoàn thành đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên trước ngày 1/7/2020 nhưng không lưu giữ hóa đơn học phí.

Đầu tiên, có thể xem xét áp dụng chính sách linh hoạt như việc xác minh qua các tài liệu, hồ sơ khác hoặc qua xác nhận từ các cơ quan, đơn vị nơi giáo viên đã học.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế xác nhận bổ sung hoặc cấp lại chứng từ đối với các trường hợp giáo viên không còn lưu giữ được giấy tờ ban đầu. Điều này có thể giúp giáo viên đảm bảo quyền lợi mà không bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó là có các chương trình tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể cho đội ngũ giáo viên về quyền lợi của họ, cũng như các thủ tục cần thiết để đảm bảo giáo viên không bị bỏ lỡ các quyền lợi.

Ngoài ra, cần đưa các nội dung hỗ trợ cho nhóm giáo viên tư thục vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/2020/NĐ-CP bởi đây sẽ là một động thái có nhiều ý nghĩa và tác động tích cực đối với hệ thống giáo dục. Đặc biệt trong bối cảnh giáo viên tư thục thường gặp nhiều khó khăn hơn so với giáo viên công lập trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ thì điều này càng trở nên quan trọng và ý nghĩa.

“Trên thực tế, giáo viên tư thục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đặc biệt là ở các khu vực đô thị và các vùng có nhu cầu cao về giáo dục mầm non.

Vậy nên, việc hỗ trợ nhóm giáo viên này không chỉ giúp đảm bảo công bằng trong hệ thống giáo dục mà còn khẳng định vai trò của họ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Mặt khác, việc hỗ trợ cho giáo viên tư thục sẽ giúp giảm bớt khoảng cách về điều kiện làm việc, cơ hội nâng cao trình độ, và các quyền lợi khác so với giáo viên công lập. Từ đó góp phần xây dựng một môi trường giáo dục bình đẳng hơn.

Có như vậy mới đảm bảo được mục tiêu chuẩn hóa về trình độ đào tạo của đội ngũ giáo viên và hỗ trợ kinh phí đào tạo để giảm bớt áp lực về kinh tế lên đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục ngoài công lập khi phải học tập nâng trình độ chuẩn theo yêu cầu”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong đề xuất.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-con-bien-lai-thu-tien-hoc-phi-dao-tao-nang-chuan-gv-co-duoc-truy-linh-post245194.gd