Không còn đường về!

Các bị cáo Sơn, Điềm và Dũng tại phiên tòa.

Tang số ma túy bị thu giữ trong vụ án là quá lớn, hơn 6kg loại Methamphetamine (60.000 viên ma túy hồng phiến). Trong đó, Sơn là đầu mối vận chuyển thuê cho 1 đối tượng không rõ lai lịch, sau đó thuê Điềm sang Lào lấy hàng về, rồi chuyển cho Dũng tiếp tục vận chuyển xuống TP Đông Hà để lấy tiền công. Nhưng khi Dũng về ngang địa bàn H. Cam Lộ (Quảng Trị) thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang. Riêng Điềm, đã được Sơn chuyển 20 triệu đồng tiền công ngay sau khi hàng trót lọt về Lao Bảo.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vào ngày 31-12-2021 đã tuyên Sơn, Điềm và Dũng phạm tội Vận chuyển trái phép chất ma túy, hình phạt tử hình. Riêng Sơn chấp hành thêm 3 năm tù về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy", tổng hợp hình phạt là tử hình. Ngay sau bản án này, cả 3 bị cáo đã có đơn kháng cáo, xin được giảm án.

Trước HĐXX phúc thẩm, các bị cáo thừa nhận án sơ thẩm đã tuyên đúng người đúng tội, đã rất hối hận và mong HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo, cho một cơ hội được sống. Lời trình bày của các bị cáo khiến người dự thính ở phiên tòa bất chợt hướng sự quan tâm về người thân. Nơi góc hội trường người mẹ bạc mái đầu khóc nghẹn. Và ở ngoài hiên tòa, người vợ trẻ vỗ về con thơ quấy khóc, đòi ba đến xót xa, cay đắng.

Trợ giúp viên pháp lý Nhà nước Lê Thị Bích Loan bào chữa theo chỉ định cho bị cáo Điềm mạnh dạn đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét thêm hoàn cảnh đặc biệt của bị cáo này. Bị cáo Điềm là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, sống ở khu vực giáp biên khó khăn, bố mất sớm, nhà có 2 anh em thì người anh cũng vắn số nên Điềm là điểm tựa duy nhất của mẹ. Điềm chỉ học đến lớp 6, lớn lên thay mẹ làm nương rẫy. Lấy vợ rồi lần lượt có 3 đứa con, con lớn nhất sinh năm 2016, nhỏ nhất sinh năm 2018, Điềm hết mùa làm rẫy là kiếm việc làm thêm.

Trong đơn được chính quyền xác nhận chồng là lao động chính để gửi cấp phúc thẩm xem xét, chị Keo (vợ Điềm) trình bày: “Biết rằng hành vi của chồng tôi là vi phạm pháp luật và sẽ bị trừng trị. Trước khi bị bắt, chồng tôi là lao động chính trong gia đình, nuôi 6 miệng ăn, bản thân tôi đang nuôi con nhỏ và cho con bú, mẹ cũng già yếu không còn sức khỏe lao động…”. Lá đơn này được nộp kịp lên HĐXX trong nước mắt giàn giụa của người vợ trẻ.

Điều đặc biệt, trước HĐXX phúc thẩm, bị cáo Sơn đã xin cho bị cáo Điềm được thoát án tử, đồng thời cũng xin cho bản thân được xem xét giảm án và chịu mức án cao hơn Điềm và Dũng. Lời khẩn thiết dành cho đồng phạm Điềm của Sơn khiến nhiều người không giấu được lời cảm thán.

Nhìn sang hoàn cảnh của bị cáo Sơn, tình hình vợ con cũng xót xa không kém. Sơn đã là cha của 6 đứa con. Đứa con gái đầu đang học cấp 2, hai đứa nhỏ nhất sinh năm 2019 và 2020. Vẫn chưa thể quên hình ảnh xót xa tại phiên xét xử sơ thẩm, đứa chị bồng đứa em, theo mẹ đến tòa. Đứa lớn hiểu chuyện thì cứ khóc rấm rứt, đứa nhỏ nhớ mặt cha thì khóc đòi, còn đứa đang ẵm bồng thì ngơ ngác giữa đông người. Đối với bị cáo Dũng, cha mẹ đã qua đời, chưa vợ con, nhưng anh chị em của Dũng cũng đắng cay muôn phần. Dũng có 5 tiền án về các tội trộm cắp, cướp tài sản và trốn khỏi nơi giam. Trong khi đó, Sơn và Điềm cũng có tiền án liên quan tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tại phiên tòa phuc thẩm, đại diện VKS Cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm, cho rằng khối lượng ma túy mà các bị cáo vận chuyển rất lớn nên mức hình phạt tử hình mà Tòa cấp sơ thẩm xử phạt 3 bị cáo là cần thiết, không nặng, nên đề nghị giữ nguyên toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm. HĐXX phúc thẩm cũng đồng ý với quan điểm của đại diện VKS, không chấp nhận kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo: tử hình.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khong-con-duong-ve-post259803.html