Không còn là nguy cơ, chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị đứt gãy khá nặng

ng Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) thẳng thắn thừa nhận: Đứt gãy chuỗi cung ứng đã không còn là nguy cơ, thực tế là đã đứt, thậm chí là đứt gãy khá nặng.

Chuỗi cung ứng đã đứt gãy

Trong gần 2 năm, Việt Nam đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19, có thể nói, quý III/2021 là giai đoạn “đen tối” nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, hầu hết các chỉ số kinh tế đều giảm mạnh chưa từng có. Cụ thể, lần đầu tiên trong lịch sử, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2021 giảm 6,17%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không còn là nguy cơ, chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị đứt gãy khá nặng.

Đó là chưa kể, hàng nghìn doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, kéo theo hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm. Trước những tác động của đại dịch COVID-19, rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Nhà báo và Công luận, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) thẳng thắn thừa nhận: Đứt gãy chuỗi cung ứng đã không còn là nguy cơ, thực tế là đã đứt, thậm chí là đứt gãy khá nặng.

Chưa năm nào, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động. Theo khảo sát nhanh Tổng Cục Thống kê, đến tháng 9/2021, 93,4% doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

Trong đó 19 tỉnh phía thành phía Nam có tới 98,9% số doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

“Với những khó khăn như vậy, việc đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng chắc chắn xảy ra”, đại diện Tổng cục Thống kê nói.

Đối với công nghiệp xây dựng, lĩnh vực này hiện nay chiếm trên 30% GDP và luôn đóng góp tích cực nhất cho bức tranh chung của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng chỉ ước tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%).

Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng công nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch. “Khả năng rất cao hầu hết địa phương không hoàn thành được mục tiêu phát triển công nghiệp, cũng như phát triển kinh tế của cả năm, do đó ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành phát triển kinh tế của cả nước”, ông Thúy nói.

TP.HCM suy giảm mạnh

Trong khi đó, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết: Nam Bộ là khu vực chiếm tỷ trọng GDP cao nhất cả nước, chiếm tới 44,4% tổng GDP. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát vừa qua, 19 địa phương thực hiện giãn cách xã hội, đã khiến chỉ số tăng trưởng GDP giảm sâu.

“Khu vực kinh tế Bắc Bộ về cơ bản vẫn có sự tăng trưởng dương. Tuy nhiên, 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ có duy nhất Bình Phước có tăng trưởng dương nhờ một số dự án nhiệt điện. Trong khi đó, các địa phương còn lại giảm rất mạnh”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu nói, có 12/19 tỉnh tăng trưởng âm quý III trên 10%, riêng TP.HCM suy giảm trên 20%. Trong 9 tháng đầu năm và quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM lần lượt giảm 13% và giảm 47,1%, do đây là trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn nhất cả nước nên chịu tác động nặng nề nhất.

Chỉ số này trong 9 tháng và quý III của Bến Tre lần lượt âm 11,2% và âm 44,8%; của Cần Thơ lần lượt âm 9,8% và âm 41,9%; của Vĩnh Long lần lượt âm 4,5% và 36,8%; của Đồng Tháp lần lượt âm 9,9% và âm 34,1%.

“Khả năng rất cao hầu hết địa phương không hoàn thành được mục tiêu phát triển công nghiệp, cũng như phát triển kinh tế của cả năm, do đó ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành phát triển kinh tế của cả nước”, ông Hiếu chia sẻ.

Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Đại dịch đang làm ly gián người với người, địa phương với địa phương, khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gắt.

Trên cơ sở đó, bà Hương kỳ vọng, trong thời gian tới, những khó khăn của các doanh nghiệp sẽ dần được cơ quan chức năng tháo gỡ, tạo điều kiện cho nền kinh tế hồi phục. Trong đó, ngành được kỳ vọng tăng trưởng trong thời điểm này chính là du lịch.

“Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia đã mở cửa lại thị trường du lịch, áp dụng giải pháp hộ chiếu vắc-xin, từ đó kích thích cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Việc du lịch mở cửa còn hỗ trợ rất nhiều cho các ngành nghề khác như vận tải, khách sạn, hàng không,... các ngành nghề này đều đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP quốc gia”, bà Hương khẳng định.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-con-la-nguy-co-chuoi-cung-ung-tai-viet-nam-bi-dut-gay-kha-nang-post158685.html