Không còn thời gian 'chần chừ' để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Rà soát quốc gia tự nguyện không phải cái đích mà là công cụ huy động được các nguồn lực và sự đồng thuận xã hội cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Thành phố Cần Thơ đã lập kế hoạch tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 27.000ha diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và đến năm 2030 sẽ đạt 50.000ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Thành phố Cần Thơ đã lập kế hoạch tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 27.000ha diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và đến năm 2030 sẽ đạt 50.000ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam cam kết tại Chương trình nghị sự 2030, cho đến nay, mới có 4 mục tiêu hoàn thành, đáng ngại có 2 mục tiêu đang thụt lùi. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, chỉ còn 7 năm nữa để thực hiện, do đó không còn thời gian “chần chừ”, thay vào đó Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra.

*Nhiều thách thức phía trước

Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên Hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR), tức báo cáo về lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), vào năm 2018. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đăng ký trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện lần thứ 2 cùng với 41 quốc gia khác trên thế giới.

Bà Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện cho biết, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể gồm 4 mục tiêu đạt tiến triển tốt: không còn nghèo (mục tiêu 1); nước sạch và vệ sinh môi trường (mục tiêu 6); công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng (mục tiêu 9); giảm bất bình đẳng (mục tiêu 10).

Cụ thể, Việt Nam đã giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2016 - 2022. Cung cấp nước sạch cho 98,1% dân số và nhà tiêu hợp vệ sinh cho 95,6% dân số. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ đã dẫn đến những cải thiện ấn tượng trong phát triển công nghiệp, tăng cường đổi mới và xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Nếu Việt Nam giữ tốc độ tiến bộ như vậy trong những năm còn lại thì sẽ đạt được hầu hết các chỉ số vào năm 2030”, bà Phương nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu tiến triển tốt, báo cáo cũng cho biết, kể từ khi Báo cáo quốc gia tự nguyện lần đầu tiên vào năm 2018, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Do đại dịch COVID-19 và những tác động kéo dài, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, tăng trưởng chậm hơn ở các thị trường xuất khẩu lớn và tình trạng bất ổn toàn cầu đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Theo đó, Việt Nam có 2 mục tiêu đang bị tụt lùi, đó là năng lượng sạch và giá cả phải chăng (mục tiêu 7) và sự sống trên cạn (mục tiêu 15).

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngoài những yếu tố trên, tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố thách thức của Việt Nam trong việc duy trì tốc độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn cam kết mạnh mẽ trong triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Tất cả các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng được lồng ghép trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Naomi Kitahara, Quyền Điều phối viên thường trú Liệp hợp quốc tại Việt Nam cho biết, hiện, rất nhiều quốc gia trong khu vực cũng rơi vào tình trạng tương tự như Việt Nam, không có số liệu để báo cáo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đưa ra.

Bà Naomi Kitahara lưu ý, Rà soát quốc gia tự nguyện không phải cái đích mà là công cụ huy động được các nguồn lực và sự đồng thuận xã hội cho các mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài xây dựng báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện, Việt Nam cần có thêm những hoạt động cụ thể khác để sớm đạt được mục tiêu.

*Cần các giải pháp để tăng tốc

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, bà Naomi Kitahara khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đưa ra số liệu sáng tạo và cụ thể để phân tích thay vì chỉ có các nhận định. “UNDP thống kê mỗi 1 đồng đầu tư vào an sinh xã hội sẽ thu được hơn 1 đồng cho GDP, cho thấy sự cần thiết của các chính sách này. Chỉ còn 7 năm cho mục tiêu đặt ra, cần tranh thủ từng ngày từng giờ và duy trì được tiến độ trong thời gian vừa qua”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Để đảm bảo thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, bên cạnh duy trì tốc độ thực hiện các mục tiêu đã đạt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu chưa đạt. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu lưu ý Việt Nam cũng cần tăng tốc trong mở rộng quan hệ đối tác để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là tập trung vào việc huy động thêm nguồn lực tài chính (mục tiêu 17).

“Việt Nam cần giải quyết các ưu tiên để đẩy nhanh tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó ưu tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi sau COVID-19. Trong số đó, việc huy động các nguồn tài chính bổ sung và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính hiện có cho các mục tiêu phát triển bền vững là một ưu tiên quan trọng”, bà Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Bên cạnh đầu tư vào nguồn nhân lực, đổi mới, số hóa để cải thiện năng suất. Việt Nam cũng cần ưu tiên nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu theo cam kết phát thải ròng bằng 0.

Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cho các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người nghèo và dân tộc thiểu số. Cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, việc thực hiện những ưu tiên này rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Thông báo số 85/TB-VPCP ngày 21/3/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Dự thảo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại và xác định đầy đủ trong Lộ trình thực hiện đối với tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu như Việt Nam đã cam kết. Phó Thủ tướng lưu ý đối với các mục tiêu, chỉ tiêu Việt Nam có khả năng đạt được thì trình Quốc hội xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và tăng dần số lượng mục tiêu, chỉ tiêu loại này.

Mục tiêu, chỉ tiêu nào đã đạt được cần tiếp tục đẩy mạnh hơn, nâng cao hiệu quả thực hiện; chưa đạt thì cũng cần xác định rõ mục tiêu để phấn đấu thực hiện. Về lâu dài, phải tiến tới trình Quốc hội xác định toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hàng năm để báo cáo cấp có thẩm quyền; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện đối với từng chỉ tiêu, mục tiêu trong Lộ trình…/.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khong-con-thoi-gian-chan-chu-de-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung/285626.html