Không còn 'vàng thau lẫn lộn'

BPO - Thời điểm này, cả nước đang tập trung cho công tác sắp xếp bộ máy. Có 2 dấu mốc đáng chú ý, 30-6 và 30-8 tới, hệ thống hành chính nước ta sẽ tiếp tục giảm nhiều đầu mối, giảm tầng nấc trung gian. Sau sắp xếp, bộ máy mới phải đáp ứng yêu cầu tinh gọn hơn, tốn ít ngân sách hơn, nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Tinh gọn thì nhân lực phải ít đi (từ đó mới giảm chi). Số lượng ít đi nhưng hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng nhân lực phải cao hơn. Làm thế nào để giải được bài toán này?

Có người nghi ngờ sau sắp xếp sẽ tinh giảm không được bao nhiêu. Đó là điều phi lý. Sau sắp xếp, chắc chắn bộ máy mới sẽ tinh gọn hơn rất nhiều, tốn ít ngân sách hơn rất nhiều. Bởi sắp xếp mà không tinh gọn hơn, không giảm chi ngân sách thì sắp xếp không còn ý nghĩa gì.

Vấn đề là, giả sử bộ máy 100 người, yêu cầu đặt ra sắp xếp giảm 30 người. Cơ sở nào để giảm 30 người, cơ sở nào chọn lựa, sắp xếp 70 người còn lại… hẳn phải có tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình (càng nhanh càng tiết kiệm) nhất định.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua trong tháng 5 tới. Một trong những điểm đáng chú ý nhất là Bộ Nội vụ đề xuất quản lý công chức theo vị trí việc làm, bỏ hoàn toàn quy định về ngạch, bậc hiện nay.

Vị trí việc làm là vấn đề được nêu lên từ nhiều năm trước, là chức vụ, chức danh, công việc của một người gắn với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của một đơn vị. Đến nay, các cơ quan, đơn vị của Bình Phước cũng như trong cả nước cơ bản đã xây dựng đề án vị trí việc làm trên cơ sở nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vận hành trong thực tế lại… cơ bản chưa như yêu cầu của đề án. Và điều quan trọng nhất, lương của công chức, viên chức hiện chưa chi trả theo vị trí việc làm, mà vẫn trên cơ sở ngạch, bậc của quy định hiện hành.

Nói một cách dễ hiểu, lương ngân sách chi trả hiện nay không phải theo vị trí, theo kết quả làm việc hằng ngày được giao của người lao động, mà đang được trả theo thứ bậc, thâm niên của người đó. Người được giao nhiệm vụ quan trọng hơn, nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn… chưa chắc đã có lương cao hơn người được giao nhiệm vụ ít quan trọng hơn, ít việc hơn, làm việc kém hiệu quả hơn nếu người này có ngạch lương cao hơn, thâm niên nhiều hơn. Đó cũng là vấn đề được nêu lên nhiều trong thời gian qua: Bộ máy cồng kềnh. Do nể nang, ngại va chạm, thiếu chế tài, nên việc tinh giảm biên chế hiệu quả thấp. Biên chế quá nhiều, nên không đủ nguồn tài chính cải cách tiền lương…

Như đã đề cập, sau sắp xếp, bộ máy mới ít cán bộ, công chức, viên chức hơn, nhưng hoạt động phải hiệu quả hơn, bên cạnh yếu tố đầu tiên chất lượng nhân lực đương nhiên phải cao hơn, chắc chắn phải là cách quản lý hiệu quả hơn. Quản lý công chức, viên chức theo ngạch, bậc như hiện nay, đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu đặt ra, mà phải quản lý theo cách mới, theo vị trí việc làm, từ đó có cơ sở đổi mới hệ thống tiền lương.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được Đảng, Nhà nước triển khai hiện nay, là cơ hội vàng đồng thời thực hiện cải cách tiền lương, cải cách quản lý công chức, viên chức. Tất nhiên, đi cùng với cách quản lý mới, việc đánh giá kết quả làm việc của công chức, viên chức cũng phải theo cách mới. Rồi đây, đánh giá công chức, viên chức chắc chắn không còn như hiện nay: Không quá 20% “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, còn lại gần như đều “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, hiếm trường hợp “hoàn thành nhiệm vụ”, cực hiếm “không hoàn thành nhiệm vụ”. Không còn “vàng thau lẫn lộn”, bộ máy nào cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171300/khong-con-vang-thau-lan-lon