Không đánh đổi
Muốn thực sự liêm chính trong nghiên cứu, nhà khoa học phải đủ sống bằng khoa học chân chính.
Việc giảm đầu tư cho khoa học cơ bản nói riêng và khoa học nói chung vô hình trung khiến một số nhà khoa học bỏ việc hoặc tìm cách gian lận trong nghiên cứu.
Còn nhớ, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đối với nội dung thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, có đại biểu đặt vấn đề về chi ngân sách cho khoa học, công nghệ. Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2017 ngân sách đã chi 1.390 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ là 1,18% so với tổng chi ngân sách.
Đến năm 2023, tổng chi ngân sách là 2.076 tỷ đồng, như vậy, tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ chiếm 0,82%, trong đó chi đầu tư là 0,23% và chi thường xuyên 0,58%. Năm 2022 thì tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.
Viện dẫn trên cho thấy, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học ở nước ta còn ở mức khiêm tốn và chưa tương xứng. Không chỉ vậy, nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ còn manh mún, thiếu hiệu quả. Có “thực mới vực được đạo” nên với mức đầu tư như trên, khó để chúng ta có thể “kích nổ”, tạo đột phá trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Thiết nghĩ, giải pháp thiết thực là, cần có chính sách đảm bảo lợi ích của nhà khoa học, để họ có thể sống đàng hoàng, yên tâm công tác mà không phải “đặt lên bàn cân” giữa liêm chính với “miếng cơm manh áo”, để rồi đánh đổi nhiều thứ. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội, đảm bảo được những sáng kiến và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định, khoa học công nghệ là một trong những đột phá chiến lược để xây dựng và bảo vệ đất nước; do đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung và trong các trường đại học nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bàn về liêm chính khoa học, thẳng thắn mà nói, hiện có nhiều quy định bảo vệ vấn đề này. Đơn cử như: Luật Khoa học công nghệ, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ, với những quy định về tính trung thực, khách quan và đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan.
Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học - lần đầu tiên yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật cũng như có công cụ kiểm soát và biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nói như TS Dương Tú - Đại học Purdue (Mỹ), nhà nghiên cứu phải cảm thấy vui, hạnh phúc khi được xã hội tài trợ cho nghiên cứu để phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, cần có chính sách đảm bảo lợi ích nhà khoa học, để họ có thể sống đàng hoàng, yên tâm công tác mà không phải đánh đổi sự trung thực, liêm chính để lo cho cuộc sống thường nhật.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-danh-doi-post665830.html