Không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức đối với y tế cơ sở

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; thảo luận ở hội trường về những nội dung trên.

6 nhóm bài học kinh nghiệm, 2 nhóm giải pháp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó, nguồn lực đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vaccine phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến… Đoàn Giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua giám sát cho thấy, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ và từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế. Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã rút ra 6 nhóm bài học kinh nghiệm, đề xuất hai nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện.

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, sáng 29/5, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, trạm y tế xã, phường có hai nhiệm vụ: Thứ nhất là tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền; thứ hai là điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai "ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành trở nên bội phần khó khăn so với trước".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất thử nghiệm mô hình mới: “Cần phải coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế quận, huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau ở cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường, đặc biệt là những bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ”.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID -19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 Việt Nam vì đã quá muộn để nghiên cứu, sản xuất loại vaccine này, mà cần tìm mua loại vaccine tốt, giá cả hợp lý và số lượng đủ để tiêm phòng cho nhân dân.

Cân bằng giữa “xây" và "chống”

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này, chiều 29/5, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), dịch COVID-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành y tế. Thực tế cho thấy, việc huy động và quản lý nguồn lực cho phòng, chống dịch rất khó khăn.

Nhấn mạnh cân bằng giữa “xây và chống”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đồng ý, khi có tiêu cực thì phải chống, nhưng bày tỏ băn khoăn về mức độ quan tâm đến việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành y tế có thể mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. “Vấn đề là phải làm sao để trong tương lai, nếu đại dịch quay trở lại, chúng ta ứng phó tốt hơn, bảo vệ được người dân. Nếu cứ e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như thế này, không biết điều gì xảy ra nếu dịch quay trở lại, không chỉ COVID-19 mà cả các dịch bệnh khác”, đại biểu chia sẻ. Đại biểu đồng thời kiến nghị cần những quyết sách phải xuất phát từ thực tế, xây dựng nền y tế có cơ chế và bảo vệ người làm việc.

Tương tự, bày tỏ lo ngại về căn bệnh “sợ trách nhiệm” đang lây lan từ ngành y sang các ngành khác, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho rằng, đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều điều để bàn, suy nghĩ và quan trọng hơn là thay đổi. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác, cần áp dụng luật để phán xét, thực sự hợp tình, hợp lý.

Giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần đặt việc giải quyết về bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở trong tổng thể Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng việc này cũng phải được đặt trong yêu cầu về quan điểm theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; căn cứ vào yêu cầu thực tiễn phát sinh như dịch COVID-19 vừa qua, có nhìn nhận một cách tổng thể để có giải pháp phù hợp hơn thời gian tới.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược bảo đảm nhân lực khu vực công trong thời gian tới. “Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách tiền lương. Trong đó, cũng tính toán kỹ lưỡng về tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tiền lương, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung, cũng như nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng để đảm bảo đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng đảm bảo chính sách đặc biệt”, bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ Nội vụ phối hợp để xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế-xã hội của các vùng miền, nhất là liên quan đến y tế cơ sở để xác định biên chế phù hợp theo yêu cầu thực tiễn; không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn nhận một cách tổng quát việc huy động nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, kể cả mặt làm được, mặt chưa làm được và những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Về việc chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc. Bộ Y tế đang phối hợp cùng các bộ, ngành, rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, rà soát thực tiễn của Việt Nam, chủ trì xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, phải căn cứ vào các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Dự kiến, cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tập trung bàn thảo các nội dung liên quan đến vấn đề này. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch và đề xuất đưa vaccine phòng COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo của WHO.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thực hiện Nghị quyết 80, Bộ Y tế đã có 4 lần điều chỉnh, với 10.572 thuốc được gia hạn. Hiện nguồn cung thuốc của nước ta khoảng 22.000 mặt hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc của nhân dân.

“Về trách nhiệm của ngành, chúng tôi cũng đã tiếp tục tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế mua sắm, đấu thầu. Bộ Y tế rất mong các địa phương, bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế để tháo gỡ vấn đề này bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Về vướng mắc trong quá trình huy động, sử dụng nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, việc quy định về số tài sản tài trợ hay thẩm định giá đối với tài sản công, tại Nghị định 29, điều 14 khoản 3 quy định, đơn vị tiếp nhận căn cứ hóa đơn xuất của bên viện trợ để ghi tăng tài sản công, không bắt buộc thẩm định lại. “Chỉ khi tài sản được sử dụng hoặc sử dụng đến khi thanh lý, mới cần xác định giá tối thiểu để bán đấu giá. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn nội dung này để các đơn vị thực hiện”, Bộ trưởng nói.

Liên quan chính sách cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế, ưu đãi nghề và bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về bảo hiểm y tế, hiện nay chúng ta chỉ thu 4,5%, trong đó 1,5% là người lao động nộp, 3% là người sử dụng, đơn vị sử dụng lao động nộp. Quỹ Bảo hiểm y tế có hạn, trong khi chi ra gần như không hạn chế, điều đó có nghĩa là phải quản lý theo dự toán.

“Nhưng có một hiện tượng, hiện nay y tế cơ sở, y tế cấp dưới đẩy lên y tế cấp trên, y tế cấp trên lại chuyển lên y tế cấp cao nhất. Khi sửa Luật Bảo hiểm sắp tới, chúng tôi sẽ lưu ý đến vấn đề này, cấp bù bằng ngân sách như thế nào cho y tế tuyến cuối để đảm bảo thanh toán y tế một cách thuận lợi nhất”, Bộ trưởng nói.

Trưởng ngành Tài chính cho biết, Quỹ vaccine phòng COVID-19 hiện nay thu được 10.791 tỷ đồng, trong đó chi mua vaccine là 7.672 tỷ đồng, hiện dư khoảng 3.118,9 tỷ đồng. Về xuất hàng viện trợ, Bộ Tài Chính cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” để đảm bảo cứu người dân mắc COVID-19.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/khong-dat-van-de-giam-bien-che-vien-chuc-doi-voi-y-te-co-so-20230529214156929.htm