Không để ai bị bỏ lại phía sau

ĐBP - Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ta, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên; nhiều hộ nghèo được hỗ trợ, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản đã thoát nghèo.

Người dân xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa thu hoạch ngô vụ hè thu.

Ðổi mới trong tổ chức thực hiện

Là huyện nghèo thuộc nhóm 2 của tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Chà không đạt nghị quyết đề ra bởi những nguyên nhân: Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm chưa bền vững; tỷ lệ tái nghèo cao; toàn huyện còn 3/12 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tăng lên 70,65%, cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của toàn tỉnh (48,14). Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững của huyện đã có nhiều sáng tạo, đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là trong thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Trao đổi về cách triển khai chương trình giảm nghèo, ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Trước hết là việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với điều kiện phải có sự đối ứng (bằng tiền, hiện vật hoặc công lao động) nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân đối với sự hỗ trợ của Nhà nước. Trên cơ sở nhu cầu cần hỗ trợ của người dân gắn với định hướng phát triển của địa phương, hàng năm từ nguồn kinh phí được giao chính quyền địa phương đã thực hiện hỗ trợ người dân trồng cây có giá trị kinh tế cao, giống vật nuôi, máy móc, nông cụ sản xuất... Hết năm 2019, huyện Mường Chà có trên 4.300 lượt hộ dân hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ; toàn huyện có gần 300ha dứa, hơn 1.282ha cao su; tổng đàn gia súc trên 34.500 con; hỗ trợ trên 1.000 máy móc, công cụ sản xuất phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân 4,07%/năm. Ước đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 49,26%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Tại huyện Tủa Chùa, một trong 5 huyện 30a của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ (năm 2016) là 66,9%. Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ, huyện chú trọng đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú trọng đến điện, đường, trường, trạm y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và lao động, sản xuất của nhân dân. Chỉ riêng nguồn vốn 30a, từ năm 2016 đến hết năm 2019 huyện đã đầu tư xây dựng 57 công trình với tổng kinh phí trên 112,3 tỷ đồng. Nỗ lực trong công tác giảm nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 66,9% xuống còn 41,9% (bình quân giảm 5%/năm). Ðến hết năm 2019, toàn huyện có 32 đơn vị cấp thôn đạt tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo, thoát khỏi tình trạng khó khăn. Ước đến cuối năm 2020 huyện có thêm ít nhất 8 thôn của 2 xã Mường Ðun và Tủa Thàng đạt tiêu chí về giảm nghèo, góp phần để huyện hoàn thành mục tiêu có 20% số xã, thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Quyết tâm giảm nghèo bền vững

Theo kết quả tổng điều tra năm 2015, tỉnh ta còn hơn 57.200 hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, chiếm tỷ lệ 48,14% và trên 9.100 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,69%.

Làm việc với chúng tôi, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Sơn thông tin: Trong giai đoạn 2016 - 2020, để cụ thể hóa các chính sách giảm nghèo trên địa bàn, HÐND tỉnh đã ban hành 9 Nghị quyết để thực hiện. Cụ thể hóa các Nghị quyết trên, UBND tỉnh cũng ban hành 7 Quyết định để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là việc lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là trên 2.345 tỷ đồng (vốn đầu tư và phát triển hơn 1.800 tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 540 tỷ đồng). Trong đó, riêng nguồn vốn 30a bố trí để thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 5 huyện 30a (Mường Nhé, Mường Ảng, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ) và 2 huyện theo Quyết định 293/QÐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (Mường Chà, Tuần Giáo) là hơn 1.100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được bố trí, các huyện nghèo đã thực hiện đầu tư xây dựng 138 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế góp phần củng cố, phát triển hạ tầng tại các thôn, bản, xã nghèo.

Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững không gì khác nhằm tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn, bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng thôn bản an toàn và hạnh phúc. 5 năm qua, thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo đã có tác động mạnh mẽ, giúp cho vùng khó khăn, dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện về đời sống vật chất, tinh thần; an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 33,05% cuối năm 2019 (giảm 15,09%). Dự kiến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30,67%. Ðến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã có điện lưới quốc gia; toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân lũy kế mỗi năm 2,93%; đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 16%. Ðể đạt mục tiêu đó, trên cơ sở đánh giá kết quả, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về nhận thức, thể chế, chính sách, công tác tổ chức thực hiện và nguồn lực. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia. Các dự án phải được triển khai theo hướng tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và đối tượng cụ thể; ưu tiên hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng các chương trình lồng ghép giữa giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận các chính sách hiện có, nhất là đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, trợ cấp đời sống và nhà ở.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/177769/khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau