'Không để ai bị bỏ lại phía sau'

Sau các đợt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, đời sống hàng ngàn người lao động trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang bị ảnh hưởng, nhất là lao động tự do, người nghèo, gia đình chính sách... Việc rà soát và chi trả kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lao động tự do và các đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng bởi đại dịch giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Ông Lâm Cấp là một trong 182 người tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh được nhận số tiền 1.050.000 đồng từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước khi xảy ra dịch, ông làm nghề phụ hồ, mỗi ngày kiếm được 250 ngàn đồng. Con gái làm công nhân tại một công ty ở huyện Chơn Thành, lương bình quân mỗi tháng 6-7 triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, 2 cha con ông phải tạm nghỉ và cũng chưa biết khi nào mới được đi làm, trong khi nhà có tới 6 miệng ăn. Số tiền Nhà nước vừa hỗ trợ dù không lớn nhưng đã giúp ông và các thành viên trong gia đình giảm bớt khó khăn trước mắt.

“Dịch Covid-19 làm cho gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cảm ơn Chính phủ đã hỗ trợ tiền, các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, dầu ăn, mì gói, nước tương... Nhờ đó, gia đình tôi đã vơi bớt phần nào khó khăn” - ông Lâm Cấp bộc bạch.

Do chưa tìm được việc làm, ngoài thời gian dành cho các con, chị Nguyễn Thị Ngân ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh tranh thủ đi kiếm thức ăn cho đàn dê của gia đình

Do chưa tìm được việc làm, ngoài thời gian dành cho các con, chị Nguyễn Thị Ngân ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh tranh thủ đi kiếm thức ăn cho đàn dê của gia đình

Hơn 2 tháng nay, anh Lê Văn Quý ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh phải chịu cảnh thất nghiệp. Anh Quý từng là công nhân làm việc tại trại heo Làng Sen ở ấp 1, xã An Khương, huyện Hớn Quản với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống gia đình khá ổn định. Dịch Covid-19 kéo dài, trại heo Làng Sen nơi anh làm việc xuất hiện mấy ca F0. Để đảm bảo phòng, chống dịch, không còn cách nào khác, anh và hàng chục lao động khác phải nghỉ việc, cuộc sống hiện tại gặp rất nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, anh thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ 1.050.000 đồng vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là số tiền không lớn nhưng đã giúp anh mua được gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình trong lúc khó khăn này.

Đến nay, Lộc Khánh đã xét duyệt 624 hồ sơ, tiến hành chi trả 4 đợt với tổng 1 tỷ 657 triệu 600 ngàn đồng và không còn hồ sơ ứ đọng. Xã còn vận động các nguồn lực để hỗ trợ hộ dân khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và lao động tự do bị thất nghiệp, các gia đình bị cách ly với tổng hơn 1.000 phần quà”.

Phó chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Đoàn Quốc Ngữ

Cũng tại ấp Đồi Đá, hộ chị Nguyễn Thị Ngân vừa nhận số tiền từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Gia đình chị Ngân thuộc diện khó khăn, cả 4 người con đang tuổi đi học. Chồng chị là lái xe tải của một công ty ở Bình Dương hơn 3 tháng nay chưa được về nhà. Hiện nay, dù phần lớn các xã ở huyện Lộc Ninh đã nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, nhưng với những người lao động tự do như chị Ngân tìm kiếm việc làm là điều không dễ. Chị Ngân tâm sự: “Trước đây, tôi đi làm thuê, từ khi có dịch tới giờ không đi làm, chỉ quanh quẩn ở nhà với các con. Nhà không có vườn, chỉ nuôi mấy con dê. Vừa rồi, được Nhà nước hỗ trợ hơn 1 triệu đồng, tôi rất mừng. Với số tiền này, chúng tôi chi tiêu tiết kiệm trong lúc tìm việc làm để dần ổn định cuộc sống”.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngay sau khi có chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Đảng ủy, UBND xã cùng các ngành, đoàn thể và các ấp, sóc đã rà soát các đối tượng được hưởng để kịp thời hỗ trợ theo đúng quy định.

Điểu Vĩnh - Thổ Thanh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127787/khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau