Không để ai đứng ngoài quá trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng, hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, của các tổ chức trong hệ thống chính trị; là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, động lực tăng trưởng kinh tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội... Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã nỗ lực chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện CĐS, lan tỏa đến từng người dân, từng hộ gia đình, từng ngõ xóm, từng cộng đồng, không để ai đứng ngoài quá trình CĐS quốc gia và đạt được kết quả tích cực trên tất cả các phương diện: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số...
Những kết quả nổi bật
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Trần Quang cho biết: Xác định tầm quan trọng của CĐS, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy công tác CĐS trên địa bàn với việc triển khai các vấn đề liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động CĐS ở các cấp, ngành, địa phương.
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã thành lập, kiện toàn tổ chỉ đạo CĐS do người đứng đầu cơ quan làm tổ trưởng; 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tham mưu công tác về CĐS, công nghệ thông tin và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đã qua các khóa đào tạo tin học hoặc bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Giới thiệu các tính năng đô thị thông minh.
Tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm về chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hạ tầng số và số hóa dữ liệu. Hiện nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang; mạng 3G/4G phủ sóng trên 98% dân cư; mạng 5G phủ gần 83% địa bàn TP. Đồng Hới. Dữ liệu hộ tịch, y tế, giáo dục, đất đai được số hóa mạnh mẽ; hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến với tỷ lệ số hóa vượt 94%. Đáng chú ý, gần 8.000 cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp đã tham gia học tập qua nền tảng trực tuyến.
Cùng với đó, kinh tế số đã dần thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế-xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, tỷ lệ điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là trên 78%; gần 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; công dân đủ điều kiện cơ bản được cấp căn cước công dân gắn chip; 63% công dân đủ 15 tuổi trở lên được kích hoạt tài khoản định danh điện tử…
Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh có 150 doanh nghiệp thành viên đăng ký tham gia và được niêm yết với gần 300 sản phẩm được chào bán, trong đó phần lớn là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan trong hệ thống chính trị được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện. 100% cơ quan hành chính 3 cấp chính quyền thiết lập mạng nội bộ và kết nối internet băng rộng.
Có thể nói, các ngành, lĩnh vực của tỉnh đều đang chuyển mình trên không gian số, trong đó, nhiều lĩnh vực ưu tiên đạt kết quả rõ nét, như: ngành Giáo dục, Y tế, Du lịch…

Học sinh Trường chuyên Võ Nguyên Giáp ứng dụng công nghệ trong học tập.
Là trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh, thời gian qua, TP. Đồng Hới chú trọng đầu tư phát triển các nội dung về CĐS trên 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Thành phố chú trọng đầu tư về hạ tầng số và con người vận hành các nội dung được số hóa. Trong đó, 100% xã, phường có kết nối cáp quang internet băng thông rộng; mạng 5G đã được triển khai tại 15 địa điểm trên địa bàn TP. Đồng Hới. Kết quả nổi bật CĐS của thành phố là đưa vào hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.
“Việc đẩy mạnh thực hiện CĐS trên các lĩnh vực đã được người dân đồng tình hưởng ứng, tạo sự kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, bước đầu giúp chính quyền địa phương nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, đa chiều, xử lý, giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở, góp phần xây dựng TP. Đồng Hới ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, minh bạch”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan chia sẻ.

TP. Đồng Hới chú trọng đầu tư phát triển các nội dung về chuyển đổi số.
Khơi dậy tinh thần "Tự học, tự làm, tự chuyển đổi"
Trong kỷ nguyên số và hướng tới xã hội thông minh, phong trào “Bình dân học vụ số” là nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng theo Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia do Tổng Bí thư phát động, tạo cầu nối giúp mọi tầng lớp nhân dân từ học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, doanh nghiệp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục làm chủ công nghệ số và ứng dụng kỹ năng số trong học tập, lao động, đời sống.
Tại Quảng Bình, phong trào “Bình dân học vụ số” là nội dung quan trọng được xác định trong Chương trình hành động số 33/Ctr-TU, ngày 20/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 312/KH-UBND, ngày 28/2/2025 của UBND tỉnh.

Trường đại học Quảng Bình nghiên cứu chuyển đổi số cho hệ thống thư viện đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh ta đã xác định phải hành động quyết liệt, bài bản, sáng tạo và linh hoạt; trong đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp phải đặt phong trào “Bình dân học vụ số” vào vị trí trung tâm trong triển khai các chương trình CĐS của địa phương; mỗi sở, ngành, địa phương phải có mô hình riêng, cách làm riêng, sáng tạo và hiệu quả.
Cùng đó, phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội nghề nghiệp, đoàn viên, thanh niên, sinh viên, trí thức, doanh nghiệp công nghệ số trong việc trở thành những “đại sứ số”, “người hướng dẫn số” tại cộng đồng; đồng thời tăng cường truyền thông, cổ vũ phong trào thi đua học tập kỹ năng số, khơi dậy tinh thần “tự học, tự làm, tự chuyển đổi”.