Không để chất lượng trở thành rào cản xuất khẩu rau quả
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) Nguyễn Thanh Bình nhận định, từ đầu năm đến nay mặc dù xuất khẩu rau quả đã có sự tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó là nỗi lo về chất lượng. Để hoàn thành mục tiêu cả năm 2024, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; quyết tâm không để chất lượng trở thành rào cản của hoạt động xuất khẩu.
Sầu riêng vẫn chiếm vị trí xuất khẩu đứng đầu
- Ông có thể nêu bức tranh tổng thể của xuất khẩu rau quả trong 5 tháng đầu năm 2024?
- 5 tháng đầu năm, ngành rau quả đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Tính riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 665 triệu USD (tăng 10,3% so với tháng 4.2024, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023). 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 2,5 tỷ USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023).
Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có sự tăng trưởng so với năm 2023; trong đó, sầu riêng giữ vững vị trí đứng đầu, tiếp đến là thanh long, chuối, xoài, mít...
Các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về xuất khẩu rau quả, tiếp đến là Hàn Quốc và Mỹ. Ngoài ra, rau quả Việt Nam cũng ngày càng tiếp cận sâu rộng sang các thị trường Thái Lan, UAE, Ấn Độ.
- Với tín hiệu tích cực như vậy, ông dự báo tình hình xuất khẩu rau quả trong thời gian tới cũng như sản phẩm nào được kỳ vọng có sự tăng trưởng lớn nhất?
- Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi, có triển vọng tốt khi nguồn cung trong nước dồi dào, một số loại như: sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu rau quả từ các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng lên.
Các sản phẩm được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tốt vẫn là sầu riêng, thanh long, xoài... trong đó, sản phẩm được đánh giá sẽ có sự đóng góp lớn nhất là sầu riêng. Trong 4 tháng qua, Trung Quốc đã chi 432 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam, tăng gần 170% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tăng và năng lực cung ứng của Việt Nam được cải thiện.
- Nguyên nhân khiến xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh vào thị trường Trung Quốc là gì, thưa ông?
- Mặt hàng sầu riêng có được sự tăng trưởng mạnh là do ngay từ đầu năm 2024 hầu như chỉ có Việt Nam có sầu riêng xuất khẩu, trong khi các nước đang cạnh tranh trực tiếp với nước ta, điển hình như Thái Lan thì lại chưa vào vụ. Hiện, nước ta có lợi thế về sản lượng và giá, quý I.2024, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Nếu không có biến động gì lớn, thì kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5 tỷ USD, thậm chí có thể tăng đến 7 tỷ USD; nếu việc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc cho mặt hàng rau quả đông lạnh, dừa, bưởi thành công thì sẽ đạt kim ngạch cao.
Không để tình trạng tranh mua, tranh bán
-Tuy có sự tăng trưởng mạnh như vậy nhưng ngành rau quả vẫn còn mối lo ngại gì, thưa ông?
- Xuất khẩu rau quả đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng còn nhiều lo ngại vẫn tồn tại và chưa có giải pháp phù hợp. Thứ nhất, chất lượng của rau quả chưa ổn định. Sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có lô hàng bị cảnh báo còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Thứ hai, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa bền vững, nếu thị trường phát triển bình thường thì không sao, nhưng nếu có biến động thì mối liên kết này sẽ lập tức bị đứt gãy, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại.
Thứ ba, năng lực tuân thủ các yêu cầu thị trường nước ngoài của một số doanh nghiệp sản xuất chưa được cao, nhiều khi còn vi phạm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và những quy định khác.
-Mục tiêu của ngành không chỉ đạt được con số tăng trưởng ấn tượng mà còn hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững. Cần tập trung giải quyết những vấn đề nào, thưa ông?
- Để giải quyết các vấn đề tồn tại, cần có sự chung tay, vào cuộc của cơ quan quản lý, nhà nước, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương cần có biện pháp tốt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong việc kiểm tra giám sát, xử lý việc làm vi phạm quy trình trong sản xuất, sử dụng vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng hoặc kém chất lượng. Phải tuân thủ quy trình sản xuất, quy phạm kỹ thuật, trong vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về mã số vùng trồng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có chế tài đủ mạnh từ chỗ răn đe cho đến xử lý phải nghiêm túc, không tái phạm.
Trong khâu tiêu thụ, xuất khẩu, địa phương, cơ quan quản lý phải quản lý được tình trạng mua bán ở các vùng nguyên liệu, nơi tập trung đầu mối kinh doanh mua bán, tránh tình trạng “tranh mua, tranh bán”, đẩy giá lên, gây mất trật tự, rối loạn thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần phải trung thực, giữ uy tín trong kinh doanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua cũng đã có những định hướng, chính sách rất rõ ràng phát triển ngành rau quả, tuy nhiên những chủ trương, kế hoạch đề án này phải được triển khai vào thực tiễn nhanh chóng. Ngoài ra, cũng có thêm những chính sách mới ưu việt hơn, khuyến khích công nghiệp chế biến, từ đó giải quyết vấn đề áp lực cho nông sản mùa vụ.
- Xin cảm ơn ông!