Không để công lý bị bẻ cong
Câu chuyện 'Ai chạy? Chạy ai?' một lần nữa lại nóng lên xung quanh vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Vụ án “chuyến bay giải cứu” là một vụ án gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt khiến chúng ta mất mát nhiều cán bộ, đảng viên ở một số bộ, ngành và địa phương, đồng thời cũng phơi bày thủ đoạn nhũng nhiễu, móc ngoặc, nhận hối lộ của không ít người có chức vụ, quyền hạn. Nhưng điểm đáng chú ý và bất ngờ là trong quá trình điều tra đại án này đã xuất hiện tình tiết “chạy án” vô cùng táo tợn, như muốn chà đạp lên pháp luật.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, trong quá trình Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, các bị can là chủ các doanh nghiệp đã móc nối, tiếp xúc với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa hối lộ nhằm “chạy án”. Theo đó, hai lãnh đạo Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh bị cáo buộc đưa hơn 100 tỷ đồng, trong đó có 2,65 triệu USD đưa cho cựu Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để “chạy án”. Bị can Tuấn khai đã đưa cho Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Điều tra (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) 2,25 triệu USD để lo “chạy án”, còn 400.000 USD còn lại dùng vào việc cá nhân… Trong vụ án này, Nguyễn Anh Tuấn bị truy tố về tội “Môi giới hối hộ”, còn Hoàng Văn Hưng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Có thể nói, tình tiết “chạy án” trong vụ án “chuyến bay giải cứu” như án chồng lên án, cho thấy sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật của những kẻ đưa tiền và của cả những kẻ nhận tiền. Ở đây, dường như có sự ảo tưởng sức mạnh đồng tiền, cho rằng có tiền là có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện, cho rằng tiền có thể đứng trên pháp luật. Đặc biệt, hành vi nhận tiền, môi giới hối lộ của những người liên quan đến công tác điều tra làm dấy lên câu hỏi về sự liêm chính của đội ngũ thực thi pháp luật. Một số cán bộ đã không thể cưỡng lại “viên đạn bọc đường”, dẫn đến thoái hóa, hủ hóa, biến chất, sẵn sàng “đổi trắng thay đen”.
Thông thường, nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên đã bị truy cứu hình sự. Còn ở vụ việc nêu trên, số tiền “chạy án” lên đến hơn 2 triệu USD. Đây thực sự là một con số rất lớn so với thu nhập của người lao động bình thường - nếu làm việc cật lực và chắt bóp cả đời cũng không kiếm được. Vậy mà có những người vẫn nhận tiền nhẹ tênh, với số tiền vô cùng lớn và như một “thói quen”?
Mới đây thôi, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi nhận tiền “chạy án” của Đỗ Hữu Ca trong vụ án “Trốn thuế”, “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” do Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành điều tra. “Ông Ca khai đã nhận tiền của doanh nhân nhưng không hoặc chưa tác động đến cá nhân, cơ quan nào để chạy án. Ông Ca đã nộp lại cho cơ quan điều tra toàn bộ số tiền 35 tỷ đồng mà doanh nhân đã đưa”, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an thông tin.
Hay như hồi cuối năm 2022, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu Châu Văn Mỹ đã bị bắt quả tang nhận tiền của bị cáo để “chạy án” từ tù giam sang tù treo, trong một vụ án “trộm cắp tài sản” tương đối phổ biến…
Người ta có lý khi đặt câu hỏi là “chạy án” ở những vụ đại án còn xảy ra, thì hiện tượng này ở các vụ án bình thường sẽ như thế nào, với tần suất như thế nào?
Trên thực tế, công tác xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn đề cao việc hoàn thiện thể chế pháp luật như một trụ cột, trong đó luôn tuân thủ Hiến pháp và các điều ước quốc tế về quyền con người. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015, dù đã gây ra nhiều tranh luận, nhưng cũng đã được thông qua với một số điều khoản mang tính nhân văn, nhân đạo hơn, trong đó có quy định “tốn nhiều giấy mực” là không phạt tử hình khi người bị kết án chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
“Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta làm nhân văn, nhân ái, nhân tình, nhưng vẫn đủ răn đe, giáo dục, ngăn ngừa là chính, song nếu phải xử lý thì nghiêm minh đúng pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm của con người”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nêu rõ. Và thực tế là trong nhiều vụ án lớn về tham nhũng, về kinh tế gần đây, pháp luật đã khoan hồng cho nhiều trường hợp thành khẩn, ăn năn, hối cải, chủ động nộp lại tài sản đã chiếm đoạt cho Nhà nước.
Nói như vậy để càng thêm lên án những đối tượng “dám làm, nhưng không dám chịu trách nhiệm”, vẫn tìm mọi cách chui lủi, “đi đêm”, muốn dùng tiền che mờ vi phạm pháp luật; càng lên án những kẻ muốn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “xoay vần” cán cân công lý, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan thực thi pháp luật.
Suy cho cùng, mọi quy trình có chặt chẽ đến mấy, nhưng thực thi quy trình đó vẫn là con người nên khó tránh hoàn toàn sai số. Đây chính là kẽ hở để những kẻ có mưu đồ xấu lợi dụng trục lợi và phá hoại. Và vì thế, một lần nữa, công tác cán bộ lại cho thấy là khâu “then chốt của then chốt”. Cần lắm những người là “lá chắn”, “thanh bảo kiếm”, là “Bao Công” của lực lượng thực thi pháp luật tiếp tục trau dồi bản lĩnh, thực thi nhiệm vụ với cái tâm trong sáng và hơn ai hết phải thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng và công bằng của mọi người trước pháp luật.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/khong-de-cong-ly-bi-be-cong-20230411153238477.htm