Không dễ đầu tư lớn trong lĩnh vực cơ khí chế tạo

Dù có vai trò rất quan trọng nhưng đến nay, công nghiệp cơ khí Đồng Nai vẫn chưa thực sự bứt phá, chưa có doanh nghiệp (DN) quy mô thực sự lớn đủ sức dẫn dắt thị trường. Thiếu nguồn lực sản xuất đang là 'sợi dây' giữ chân các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực cơ khí trên địa bàn.

Sản xuất tại Công ty TNHH Triệu Hoàng Anh (thành phố Biên Hòa). Ảnh:V.Gia

Sản xuất tại Công ty TNHH Triệu Hoàng Anh (thành phố Biên Hòa). Ảnh:V.Gia

Ngoài giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất, DN cơ khí cần có chiến lược chuyển đổi mô hình, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để khai thác tốt hơn nhu cầu khách hàng.

Muốn sản xuất lớn phải có nhà máy quy chuẩn

Sau nhiều năm hoạt động ngoài khu công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, gia công thép không gỉ, đến năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Diệp Nam Phương đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) với diện tích 1 hécta với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, quy mô 250 ngàn tấn/năm. Tháng 4-2024, nhà máy của công ty khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động, đến nay doanh thu đạt 130 tỷ đồng, và hiện vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Thật, Tổng giám đốc công ty, chia sẻ DN nhận thấy tiềm năng, nhu cầu phát triển thị trường trên địa bàn. Đặc biệt là với sự đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng như hệ thống cảng biển trong khu vực sẽ thu hút nhiều DN lớn đến sản xuất, làm ăn nên nhu cầu về thép không gỉ rất lớn. Do đó, công ty quyết định đầu tư tại Đồng Nai vì tỉnh là vị trí đầu mối giao thông quan trọng để kết nối với các đối tác trong khu vực. Công ty đã bước sang một giai đoạn mới, không chỉ đơn thuần là DN làm thương mại, nhập khẩu và bán sản phẩm mà đang từng bước chuyển dần sang lĩnh vực sản xuất, gia công theo yêu cầu khách hàng.

Nhưng không nhiều DN làm được như Diệp Nam Phương, bởi việc đầu tư vào công nghiệp cơ khí rất tốn kém, chưa nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có đủ nguồn lực để thực hiện bước nhảy vọt của mình. Đa số các DN vẫn đang phải vừa tự mày mò học hỏi, vừa nâng cấp một cách chậm rãi theo năng lực thực tế của mình.

Việt Nam đang có khoảng 25 ngàn DN cơ khí, chiếm 30% số DN chế biến, chế tạo, chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và khó cạnh tranh. Thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn thuộc về các DN nước ngoài.

Hơn 5 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Triệu Hoàng Anh (thành phố Biên Hòa) khá đa dạng về chủng loại, sản phẩm, mẫu mã cơ khí chính xác trên kim loại tấm bằng công nghệ CNC, cắt laser... Đồng thời bán buôn, bán lẻ phục vụ khách hàng các chủng loại inox tấm, cuộn, ống, hộp, thanh vê và thép tấm...

Để phát triển bền vững, phương châm của công ty là làm tới đâu đầu tư tới đó. Điều này phù hợp với nguồn tài chính còn khiêm tốn cũng như có thể dễ điều chỉnh để phù hợp tình hình thị trường trong từng giai đoạn. Làm được bao nhiêu tiền lại để dành tái đầu tư vào hệ thống máy móc để sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc công ty, chặng đường phía trước còn không ít chông gai, quy mô đơn vị còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, đặc thù các sản phẩm của công ty là về cơ khí, inox phục vụ sản xuất và các công trình, không phải là những vật dụng thiết yếu trong đời sống, do vậy thị trường bị bó hẹp hơn. Doanh thu và nguồn lực của đơn vị chưa đủ để tái đầu tư sản xuất, nâng cấp nhà máy một cách nhanh chóng được.

Cần các giải pháp dài hơi

Một điểm yếu nữa của ngành cơ khí Việt Nam là về nguyên liệu, do đó đại diện nhiều DN cho biết họ buộc phải nhập khẩu máy móc nguyên chiếc về để bán. Vì nếu sản xuất ở Việt Nam, lại vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, thì sẽ khiến chi phí giá thành lên cao, khó cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát (thành phố Biên Hòa), làm thương mại tuy lợi nhuận không nhiều nhưng “ăn chắc” hơn bởi ít công nợ hơn so với sản xuất quy mô lớn, lại phải đầu tư hệ thống hạ tầng, máy móc và nhiều khâu khác khiến chi phí đội lên cao. Trong khi làm thương mại sẽ dễ điều tiết, tùy theo từng thời điểm và nhu cầu của khách hàng.

Các DN sản xuất cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất. Để tạo động lực thúc đẩy DN phát triển và thu hút sản xuất vào khu tập trung, cần xây dựng chính sách hỗ trợ. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu, cụm công nghiệp mới và hỗ trợ chi phí di dời, phí thuê đất, hạ tầng... Bên cạnh đó, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính...

Theo Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh, ngành công thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như: công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo. Từ đó tạo tiền đề để các DN cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Các DN cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển, những lĩnh vực có thể cạnh tranh được, nhất là việc tận dụng những hiệp định thương mại tự do để khai thác tốt hơn mối quan hệ với các đối tác.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/khong-de-dau-tu-lon-trong-linh-vuc-co-khi-che-tao-93a60cf/