Không dễ để Australia sở hữu tàu ngầm nguyên tử từ AUKUS
Theo cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer, Australia sẽ không dễ có được tàu ngầm nguyên tử từ Mỹ và phải sau ít nhất 5 năm mới có chiếc đầu tiên được xuất xưởng.
Trả lời phỏng vấn độc quyền tờ Financial Review (Australia), ông Spencer cho rằng những thủ tục thông thường cùng với những đứt gãy trong chuỗi cung ứng và nhu cầu mua sắm cao đối với thiết bị quân sự Mỹ sẽ khiến Washington chưa thể đáp ứng nhu cầu sở hữu tàu ngầm của Australia, dù đây là điều khoản nổi bật trong thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) mới được công bố gần đây.
“Mỹ có quy trình cho việc này. Thông thường phải mất từ 3-4 năm. Hiện nay nhu cầu mua sắm, đóng mới tàu ngầm cho Mỹ đã quá lớn. Với trường hợp của Australia, mọi thứ phải đi theo tuần tự từ đầu, sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất hợp đồng. Chuỗi cung ngày nay cũng gặp vấn đề”, ông Spencer – người từng có thời gian ngắn đảm nhận cương vị quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ trước khi bị Tổng thống Donald Trump cách chức hồi tháng 11/2019, chia sẻ.
Cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ cũng bác bỏ khả năng Australia thuê tàu ngầm của Mỹ và Anh, bởi không thể lấy một tàu ngầm cũ đang có trong phiên chế và tiến hành cải hoán, tân trang lại. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Úc Simon Birmingham và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton nói rằng việc thuê tàu ngầm từ Anh và Mỹ có thể là giải pháp tạm thời cho đến khi Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Đánh giá trên của ông Spencer cũng phù hợp với những tuyên bố có phần do dự, rụt rè của Canberra về thỏa thuận chuyển giao tàu ngầm hạt nhân này. Phát biểu trước báo giới tại New York hôm 22/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết “chưa có bất kỳ cam kết cụ thể” nào liên quan đến tàu ngầm trong liên minh AUKUS.
Theo ông Morrison, thảo luận giữa ông và Tổng thống Joe Biden về sở hữu tàu ngầm hạt nhân mới ở giai đoạn khởi động; các bên sẽ đàm phán các thỏa thuận đó trong 12-18 tháng tới, để có được lựa chọn hợp lý với Australia.
Ông Spencer cũng ngạc nhiên trước việc Australia quyết định từ bỏ hợp đồng trị giá hàng chục tỉ USD đặt mua 12 tàu ngầm tấn công thông thường chạy bằng động cơ diesel của Pháp để chuyển hướng sang tàu ngầm thế hệ mới của Mỹ. Bởi cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ trong nhiều năm luôn tin rằng Washington sẽ thiên về nới lỏng các quy định cấm buôn bán vũ khí trái phép, chứ không phải là chia sẻ công nghệ hạt nhân hàng đầu với một đồng minh.
Theo ông Spencer, tình thế có thể chuyển biến khác nếu như xuất hiền nguy cơ tức thời với Australia. Mỹ sẽ không để Australia rơi vào tình cảnh không sở hữu một hạm đội tàu ngầm hợp lý khi tình hình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chuyển biến xấu, chứa đựng nhiều nguy cơ với Canberra. “Nếu như có ai đó khai hỏa, mọi chuyện đều có thể xảy ra”, cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ nói.
Giới phân tích nhận định phải mất cả chục năm để Australia sở hữu hạm đội tàu ngầm như cam kết trong AUKUS. Để vận hành tàu ngầm hạt nhân, điều cần thiết là phải xây dựng được hạ tầng phù hợp sát bờ biển và việc này thường mất ít nhất 3 năm. Kế đến là công việc xây dựng nhà xưởng ở thành phố Adelaide.
Cuối cùng, việc đóng, thử nghiệm, hoàn tất những tàu ngầm như vậy mất nhiều năm, thậm chí là cả thập kỉ. Theo chuyên gia công nghệ tàu ngầm Johns Schaus thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, phải sau 10-15 năm nữa Australia mới có được hạm đội tàu ngầm hạt nhân 8 chiếc theo thỏa thuận chuyển giao từ Mỹ và Anh.
Chi phí cũng là một vấn đề. Tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Mỹ là tàu lớp Virginia. Chi phí để đóng tàu này tại Mỹ là 3,45 tỉ USD. Nhưng với một nước không sở hữu công nghệ hạt nhân bản địa như Australia, hạ tầng đóng tàu ngầm là con số không, thì giá thành để đóng một tàu này phải trên 5 tỉ USD.