Không để địa phương nào bị động khi bão đổ bộ
Trước dự báo bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội và nhiều địa phương phía Bắc, thành phố đã chỉ đạo sát sao các cấp, ngành triển khai phương án ứng phó. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ngay sau chuyến kiểm tra thực địa tại xã Xuân Mai và xã Trần Phú vào chiều 21-7.
- Thưa đồng chí, thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo, chuẩn bị gì để ứng phó hiệu quả với bão số 3 trong bối cảnh đang vận hành chính quyền địa phương hai cấp?

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền. Ảnh: Kim Nhuệ
- Thực hiện chỉ đạo của trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cấp, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống bão số 3.
Trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương hai cấp vừa được kiện toàn, công tác hướng dẫn, chỉ đạo đến tận cơ sở càng cần rõ ràng, quyết liệt hơn. Thành phố đặc biệt nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ để chủ động xử lý mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Cơn bão số 3 được dự báo có diễn biến rất phức tạp. Trước cả khi bão đổ bộ, một số địa phương trên cả nước đã chịu thiệt hại về người và tài sản do dông lốc. Tại Hà Nội, nhiều cây xanh đã bị quật đổ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, an toàn của người dân. Trước thực tế đó, thành phố đã yêu cầu rà soát toàn diện lại tổ chức bộ máy, nhân lực, phương tiện, thiết bị phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
- Đồng chí vừa trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó tại xã Xuân Mai và xã Trần Phú. Qua thực tế, đồng chí có đánh giá như thế nào?

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các sở, ngành làm việc với xã Xuân Mai và xã Trần Phú về ứng phó bão số 3 vào chiều 21-7. Ảnh: Kim Nhuệ
- Qua kiểm tra tại xã Xuân Mai và xã Trần Phú là hai địa bàn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng nếu bão đổ bộ, chúng tôi ghi nhận chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, vật tư khá tốt.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cũng cho thấy một số tồn tại cần khắc phục ngay, như việc hiệp đồng lực lượng, điều động thiết bị và nguồn lực còn thiếu thống nhất; một số công trình tiêu thoát nước chưa vận hành nhịp nhàng theo phương án đã duyệt. Chúng tôi đã có chỉ đạo trực tiếp và sẽ có văn bản đôn đốc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị để khẩn trương khắc phục.
- Vấn đề cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong trường hợp bão gây chia cắt, ngập lụt đã được thành phố chuẩn bị ra sao, thưa đồng chí?
- Việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân luôn là một trong những nội dung được thành phố ưu tiên hàng đầu. Thực tiễn trong dịch COVID-19 hay các đợt bão mạnh trước đây cho thấy, nếu chuẩn bị chu đáo thì dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, Hà Nội vẫn giữ được nguồn cung ổn định.
Đối với bão số 3, chúng tôi đã chỉ đạo ngành Công Thương phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường dự trữ hàng hóa; đồng thời, tổ chức kết nối với các địa phương bạn để sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ dân sinh cũng đã được yêu cầu rà soát lượng dự trữ, phương án vận chuyển, kịch bản ứng phó nếu xảy ra ngập lụt hoặc mất điện cục bộ. Mục tiêu là không để người dân thiếu hàng hóa thiết yếu bất kỳ lúc nào.
- Một số địa phương phản ánh đang gặp khó khăn về thiết bị, vật tư phòng, chống thiên tai. Thành phố hỗ trợ như thế nào để bảo đảm "không ai bị bỏ lại phía sau"?
- Qua đợt rà soát vừa rồi, chúng tôi thấy vẫn còn bất cập trong phân bổ thiết bị, phương tiện sau khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Một số đơn vị chưa kịp điều chuyển các trang thiết bị về đúng địa bàn có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở. Có nơi, lực lượng đã có nhưng phương tiện chưa đủ; có nơi lại thiếu cả nguồn nhân lực lẫn công cụ phòng chống.
Thành phố đã chỉ đạo xây dựng phương án điều chuyển, bổ sung trang thiết bị, đồng thời giao các ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện kịch bản điều hành thống nhất. Thành phố bảo đảm các xã, phường, nhất là những địa bàn xung yếu đều có đầy đủ điều kiện để triển khai phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-de-dia-phuong-nao-bi-dong-khi-bao-do-bo-709914.html