Không để dịch chồng dịch

Mùa hè là mùa có nguy cơ cao bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó bệnh bạch hầu có diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang. Tại Nghệ An đã ghi nhận 1 ca tử vong và tỉnh bắc Giang đã ghi nhận 1 ca mắc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông và tăng cường ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, quyết tâm không để dịch chồng dịch xảy ra trên địa bàn.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lưu hành trên địa bàn tỉnh được ghi nhận là Covid-19, thủy đậu, tiêu chảy, cúm, quai bị, sốt xuất huyết, dại, bệnh do vi rút Adeno… Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã nỗ lực nâng cao năng lực dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình Hà Doãn Thuần cho biết: Xác định phòng bệnh tích cực và chủ động phòng, chống dịch bệnh tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, huyện Lâm Bình đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, quyết tâm không để dịch chồng dịch.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trung tâm Y tế huyện đã củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ huyện đến thôn, tổ dân phố; thực hiện tốt phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo khối dự phòng và 10 trạm y tế xã, thị trấn giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch, không để lan rộng.

Chị Nguyễn Thị Mây, tổ dân phố Bản Khiển, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) chia sẻ: “Được sự tuyên truyền của cán bộ y tế địa phương, các thành viên trong gia đình tôi đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm; đồng thời, tiến hành vệ sinh môi trường sống sạch sẽ... Mới đây, tôi bị sốt xuất huyết, tôi đã thực hiện nghiêm việc điều trị và cách ly để không bị lây nhiễm sang người khác”.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó, yêu cầu các địa phương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu các cấp; theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, mô hình bệnh tật ở địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đoàn Lương Anh cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát ổn định, không để dịch chồng dịch. Dù trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào có liên quan đến các ca bệnh xong đây là dịch bệnh nguy hiểm, vì vậy, đơn vị đã chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh.

Trong thời điểm giao mùa mưa nắng thất thường như hiện nay, ngành Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, tập luyện thể dục thể thao, nâng cao thể trạng; ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Người dân tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khong-de-dich-chong-dich-195843.html