Không để điểm số 'đánh gục' tinh thần thí sinh

Sau khi đối chiếu đáp án kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều học sinh rơi vào trạng thái lo âu, hụt hẫng. Có em bật khóc vì sợ phụ lòng cha mẹ, có em lặng lẽ tính lại từng điểm số với tâm trạng thất vọng và chán nản. Trước thực tế đó, cô Hoàng Thị Kim Hậu Phúc – hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc 'Cô Sương Mai', giáo viên dạy Văn online được hàng trăm nghìn học sinh yêu mến – đã có những chia sẻ đầy sâu sắc và nhân văn.

>

Cô Hoàng Thị Kim Hậu Phúc, hay còn được biết đến với cái tên “Học Văn Cô Sương Mai”, được hàng trăm ngàn học sinh yêu mến bởi phương pháp gần gũi, khả năng “chữa lành” qua văn học và cách truyền tải qua giọng nói truyền cảm

Cô Hoàng Thị Kim Hậu Phúc, hay còn được biết đến với cái tên “Học Văn Cô Sương Mai”, được hàng trăm ngàn học sinh yêu mến bởi phương pháp gần gũi, khả năng “chữa lành” qua văn học và cách truyền tải qua giọng nói truyền cảm

Khi học sinh tự đồng nhất bản thân với điểm số

“Cô ơi, em sợ em làm bố mẹ thất vọng”; “Em đã cố hết sức nhưng hình như vẫn không đủ”… Đó là những dòng tin nhắn đầy tâm sự mà cô Sương Mai nhận được sau khi học sinh so đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều bạn không chỉ lo lắng về kết quả, mà còn rơi vào cảm giác mất phương hướng, hoài nghi về chính mình.

“Điều khiến mình trăn trở nhất là nhiều bạn tự đồng nhất giá trị bản thân với một số điểm thi”, cô nói. “Các em quên mất rằng, điểm số chỉ đo lường kết quả một kỳ thi, chứ không thể đo hết được hành trình nỗ lực bền bỉ hay lòng dũng cảm vượt qua thử thách mà mỗi em đã trải qua”.

Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một cột mốc quan trọng, nhưng không thể là thước đo duy nhất để định nghĩa một con người. Khi xã hội và cả người lớn vô tình coi điểm cao là bằng chứng duy nhất của năng lực và thành công, thì học sinh dễ bị tổn thương nếu kết quả không như kỳ vọng. Đáng nói hơn, áp lực vô hình từ sự kỳ vọng của người lớn – dù đến từ sự yêu thương – có thể đè nặng lên vai những đứa trẻ đang tuổi lớn, dễ bị tổn thương.

Tỉnh táo nhìn nhận: Thất bại không đồng nghĩa với “thua cuộc”

Khi được hỏi về mức độ đề thi năm nay, cô Sương Mai từ chối đánh giá theo hướng “dễ – khó”, bởi điều đó mang tính chủ quan và không giúp học sinh vượt qua hiện tại. Thay vào đó, cô lựa chọn góc nhìn thực tế và mang tính dẫn đường: “Mình mong các em nhìn đây là một kỳ thi nhiều thử thách, không phải chỉ riêng một ai mà rất nhiều học sinh đều cùng cảm giác. Hãy coi kết quả sau đối chiếu đáp án là dữ liệu để điều chỉnh kế hoạch, thay vì biến nó thành lý do để trách móc bản thân”.

Điều quan trọng là các bạn học sinh cần hiểu: thất bại – nếu có – không đồng nghĩa với việc “hết đường”. Học tập không phải là đường đua mà người về nhất luôn đúng, người chậm bước phải dừng lại. Trong thời đại đang chuyển mình với nhiều hình thức đào tạo và phát triển nghề nghiệp, cơ hội học tập – làm việc – phát triển bản thân không nằm gọn trong một kỳ thi duy nhất.

“Cha mẹ yêu em vì em là con họ, không phải vì điểm số”

Một điều thường thấy sau kỳ thi là cảm giác xấu hổ khi nghĩ mình “làm phiền lòng” người lớn. Cô Sương Mai gửi đi một thông điệp đơn giản nhưng lay động: “Cha mẹ yêu các em vì các em là con của họ, là kết tinh của tình yêu thiêng liêng, chứ không phải vì các em đứng thứ mấy trên bảng điểm”.

Không phải mọi học sinh đều đủ bản lĩnh để nói ra nỗi buồn của mình. Vì vậy, cô khuyên các em nên dũng cảm đối thoại với người thân. Khi những cảm xúc được nói ra, chia sẻ và thấu hiểu, áp lực cũng phần nào được hóa giải. “Chúng ta không thể đoán chắc cha mẹ luôn phản ứng theo cách ta mong đợi, nhưng nếu không nói, chúng ta càng rơi vào cô lập”, cô chia sẻ.

Đặc biệt, cô chỉ ra rằng chính cách giáo dục hiện tại – vốn vẫn dựa trên đánh giá qua điểm số những môn học nhất định – đã khiến nhiều bạn cảm thấy mình “không đủ tốt” nếu điểm không cao. Trong khi đó, con người mỗi người mỗi khác, với tốc độ tiếp thu, thế mạnh và khả năng riêng biệt.

“Giáo dục nên là hành trình khơi mở tiềm năng
chứ không phải cuộc đua so kè ai nhanh hơn, ai điểm cao hơn”

Bức thư gửi học sinh lớp 12: “Đừng sợ lạc đường”

Kết thúc buổi trò chuyện, cô Sương Mai gửi gắm một “bức thư tinh thần” tới học sinh lớp 12, như một lời thì thầm đầy yêu thương:

“Kỳ thi chỉ là một cột mốc, không phải toàn bộ câu chuyện đời em. Nó là một ngã rẽ, không phải điểm kết thúc. Việc trúng hay trượt một ngành không định nghĩa nhân phẩm, trí tuệ hay tương lai của một con người… Nếu hôm nay em thấy mệt mỏi, hãy cứ nghỉ ngơi. Nhưng rồi, cô mong em sẽ đứng dậy, lau khô nước mắt và tin rằng em xứng đáng với nhiều cơ hội tốt đẹp phía trước. Đừng sợ lạc đường, vì ai rồi cũng sẽ tìm được lối đi của mình”.

Chúng ta không nên chối bỏ vai trò của điểm số, nhưng càng không thể để những con số trở thành “kẻ phán xét” làm tổn thương tinh thần tuổi trẻ. Điều mà mỗi người trẻ cần, sau kỳ thi này, không chỉ là điểm cao – mà là lòng tin vào chính mình, cùng sự bao dung để bước tiếp hành trình lớn hơn: hành trình làm người.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khong-de-diem-so-danh-guc-tinh-than-thi-sinh-post1759802.tpo