Viêm xoang kéo dài vì dị ứng mạt bụi nhà
Nếu trẻ em có tình trạng viêm xoang mũi kéo dài, gia đình cần lưu ý có thể trẻ bị dị ứng với mạt bụi trong nhà.

Hình ảnh chụp CT-Scanner xoang phát hiện tình trạng viêm đa xoang hàm mặt.
Bé N.Q.H. (9 tuổi) thường xuyên xuất hiện tình trạng ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi suốt 2 năm qua, triệu chứng tăng lên khi có yếu tố thời tiết thay đổi, không khí lạnh, đặc biệt là khói bụi, khói thuốc lá.
Một tháng gần đây, tình trạng diễn biến nặng hơn. Trẻ nghẹt mũi 2 bên, khi ngủ phải há miệng thở, sổ mũi trong kèm ngứa mũi, hắt hơi. Thỉnh thoảng, trẻ đau đầu vùng trán, mệt mỏi, ho đờm ít.
Người nhà đưa bé H. tới Phòng khám Đa khoa Medlatec Gò Vấp thăm khám. Tiến hành thăm khám lâm sàng, cho thấy niêm mạc mũi nhợt nhạt, không đều, sàn khe mũi đọng dịch. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán.
Kết quả chụp CT-Scanner xoang cho thấy hình ảnh viêm đa xoang hàm mặt, dày nhẹ niêm mạc cuốn mũi dưới hai bên, polyp xoang bướm trái, xoang hơi cuốn mũi giữa bên trái. Hình ảnh nội soi mũi phát hiện tình trạng viêm mũi xoang .
Đặc biệt, kết quả xét nghiệm panel 53 dị nguyên có chỉ số IgE đặc hiệu tăng cao, panel dị ứng dương tính mạnh với dị nguyên mạt bụi nhà. Chẩn đoán xác định, bệnh nhân mắc tình trạng viêm mũi xoang dị ứng quanh năm. Bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị bằng thuốc, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân những lưu ý trong sinh hoạt nhằm hạn chế tiếp xúc với .
Bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám định kỳ hàng tuần. Sau gần 1 tháng điều trị, các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho đêm... đã thuyên giảm rõ rệt. Bé ăn ngủ tốt hơn, không còn khó chịu vùng mũi xoang, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.
Viêm mũi dị ứng (hay viêm mũi xoang dị ứng) là tình trạng viêm niêm mạc mũi và xoang cạnh mũi, đặc trưng bởi các cơn hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi…
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Dũng - Chuyên khoa Tai mũi họng, Phòng khám Đa khoa Medlatec Gò Vấp, tỷ lệ mắc viêm mũi dị ứng khoảng 10-30% dân số tại các quốc gia phát triển. Trẻ em có thể bắt đầu mắc sau 2 tuổi, tỷ lệ tăng dần cho đến tuổi thanh thiếu niên.
Tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên quá trình điều trị viêm mũi dị ứng gây ra gánh nặng kinh tế lớn, tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hiện nay, xu thế mắc bệnh gia tăng, phần lớn liên quan đến quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong đó, mạt bụi nhà là một trong những yếu tố phổ biến gây ra tình trạng dị ứng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng của loại dị nguyên này trong không khí và môi trường sinh hoạt hằng ngày.
Mạt bụi nhà là sinh vật chân đốt, thuộc lớp nhện, không nhìn thấy bằng mắt thường, sống trong môi trường ấm, ẩm như nệm, gối, chăn, rèm cửa, thảm, thú nhồi bông... Thức ăn chủ yếu là tế bào da người, động vật bong tróc. Đối với trẻ em có cơ địa dị ứng, chỉ cần tiếp xúc với một lượng nhỏ mạt bụi cũng đủ để kích hoạt phản ứng viêm mũi xoang, kéo dài dai dẳng nếu không phát hiện và xử lý kịp thời.
Viêm mũi xoang dị ứng có thể kéo dài và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ, đặc biệt khi nguyên nhân đến từ những yếu tố trong chính môi trường sống hằng ngày. Vì vậy, việc phòng ngừa không chỉ nằm ở điều trị y tế mà còn đòi hỏi sự chủ động từ phụ huynh trong việc cải thiện không gian sống của trẻ.
Một số biện pháp phòng ngừa được bác sĩ Dũng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh bao gồm:Dùng vỏ bọc đặc biệt (bọc nệm, gối, chăn bằng vải dệt ≤6 micron. Nên chọn loại có thể giặt nhiều lần, không giữ bụi trên bề mặt); giữ ẩm độ trong nhà dưới 50%; giặt drap, vỏ gối, chăn mền hằng tuần bằng nước nóng trên 55 độ C; Hút bụi bằng máy có bộ lọc HEPA hoặc túi lọc dày; Giảm bớt thú nhồi bông, ghế nệm, rèm vải trong phòng ngủ; sấy khô ở nhiệt độ cao có thể tiêu diệt mạt bụi.
Cha mẹ cần trang bị kiến thức để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi cần thiết. Nếu trẻ có biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong kéo dài, ho đêm... hãy đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai mũi họng hoặc Dị ứng miễn dịch.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viem-xoang-keo-dai-vi-di-ung-mat-bui-nha-post893842.html