Không để dự án trọng điểm về tiêu thoát nước bị 'ngập úng'
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết thực trạng ngập úng cục bộ sau mỗi trận mưa lớn kéo dài. Nhiều dự án cải thiện hệ thống tiêu thoát nước đã được quy hoạch và phê duyệt, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lại đang vấp phải nhiều 'tắc nghẽn' mà cụm công trình đầu mối trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là một thí dụ tiêu biểu...
Để giải quyết ngập úng cho hơn 18.500ha khu vực phía tây, thành phố Hà Nội đã phê duyệt hệ thống tiêu thoát nước, gồm các trạm bơm tiêu: Liên Mạc (công suất 170m3/s); Yên Thái (công suất 54m3/s); Đào Nguyên (công suất 25m3/s); Yên Nghĩa (120m3/s). Tuy nhiên cho đến nay, các trạm bơm Liên Mạc, Yên Thái chưa được xây dựng... Riêng cụm công trình đầu mối trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, dù đã hoàn thành theo đúng thiết kế nhưng vẫn chưa thể vận hành hết công suất do hệ thống kênh dẫn nước vẫn dang dở sau nhiều năm thi công.
Trạm bơm “khát nước”
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tiêu nước hệ thống Sông Nhuệ (năm 2009), trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có nhiệm vụ tiêu úng cho khoảng 6.300ha của huyện Hoài Đức và các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống đê sông Nhuệ, kết hợp cải thiện môi trường sinh thái. Ngày 23/2/2013, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước phía tây thành phố Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt gồm cụm công trình đầu mối và tuyến kênh dẫn La Khê. Ngày 13/2/2019, dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh để cứng hóa 5,75km tuyến kênh La Khê và làm đường giao thông hai bên bờ kênh. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư.
Đến nay, cụm đầu mối trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với công suất 120m3/s. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, trạm bơm cũng chỉ hoạt động được ba đến bốn trên tổng số 10 tổ máy vì không có nước tiêu. Nguyên nhân là do quá trình thi công 5,7km kênh La Khê bị gián đoạn nhiều nơi.
Dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế tuyến kênh La Khê, ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là Ban duy tu) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, phạm vi mặt bằng được bàn giao chủ yếu là lòng kênh, một số đoạn mái kênh là đất công, các đơn vị mới chỉ thi công được một phần lòng kênh La Khê (đóng cừ bê-tông dự ứng lực kè kênh).
Theo Ban duy tu, do dọc kênh La Khê cả hai bờ trên địa bàn quận Hà Đông, nên việc thi công rất khó khăn do vướng nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật (đường điện, trạm điện, cáp viễn thông, ống dẫn nước sạch...). Do đó, các nhà thầu phải dừng thi công. Nhiều vị trí mới chỉ thi công được một bên bờ kênh, đơn vị không thể thi công được các hạng mục khác, trong đó cả việc nạo vét lòng kênh. Toàn bộ hạng mục đường giao thông hai bên bờ kênh đều bị vướng mặt bằng cho nên chưa triển khai được.
Việc cứng hóa kênh La Khê nhằm dẫn nước về bể hút của trạm bơm hiện còn ngổn ngang, dang dở. Khi mưa to, nước mưa không thể thoát theo hệ thống kênh La Khê. Vì vậy, dù trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thiện, đủ điều kiện vận hành tiêu úng, nhưng mới hoạt động chưa hết một nửa công suất thiết kế, trong khi phần địa giới phía tây Hà Nội cứ mưa là... ngập.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thực tế hầu hết các nhà thầu đã thi công hết phần mặt bằng được giải phóng, hiện tạm dừng để chờ mặt bằng; khối lượng chưa thi công chủ yếu ở các phạm vi chưa có mặt bằng gồm một phần bờ kênh và toàn bộ đường hai bên bờ kênh. Có mặt bằng thi công là điều kiện quan trọng nhất quyết định tiến độ hoàn thành công trình.
Vì sao dự án chậm tiến độ?
Như vậy, qua hai lần phê duyệt và điều chỉnh thì dự án cụm công trình đầu mối trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có tổng diện tích đất thu hồi là 30,7ha. Sáu năm trước, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã bàn giao 26,2ha cho Ban duy tu để thi công. 14,4ha liên quan còn lại đến nay chưa thể bàn giao để thi công do liên quan đến 652 trường hợp phải xác nhận nguồn gốc đất, trong đó 593 tổ chức và hộ gia đình có đất ở và 59 hộ có đất canh tác trong dự án thuộc địa bàn 6 phường. Và đây là bài toán chưa có lời giải.
Theo UBND quận Hà Đông, đến tháng 9/2022, quá trình giải phóng mặt bằng ở giai đoạn 2 vẫn chưa thể triển khai do nhiều nguyên nhân, từ khâu như: kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất; bố trí tái định cư gặp nhiều khó khăn, ách tắc.
Tại đoạn kênh đã hoàn thiện thuộc tổ dân phố số 5, phường La Khê, quận Hà Đông, ông Nguyễn Hữu Đức, một người dân có nhà ngay cạnh đoạn kênh vừa được thi công xong phần kè cho biết, rất mong mỏi dự án hoàn thành sớm để môi trường sạch đẹp, giao thông thông thoáng, nước không bị dồn ứ, bốc mùi. Ông Đức chỉ sang bên kia bờ kênh nói: “Khu dân cư bên kia, họ ở đó mấy chục năm rồi, nếu giải tỏa cả mấy chục hộ đó để lấy mặt bằng thì Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng để họ ổn định đời sống chứ nhiều trường hợp chúng tôi biết chỉ được đền bù mấy chục triệu đồng thì họ sống sao nổi”.
Theo hướng chỉ của ông Đức, chúng tôi có mặt tại khu tập thể Xí nghiệp Dược, Quân khu 3, thuộc tổ dân phố 7, phường Quang Trung, quận Hà Đông. Bà Phạm Thị Tâm, một người dân sống lâu năm ở đây cho biết, ở khu này có hơn 80 hộ. Hầu hết các hộ dân ở đây được Xí nghiệp Dược, Quân khu 3 (Bộ Quốc phòng) bố trí đất ở từ những năm 1987 và có đóng thuế đất hằng năm. Cụ thể năm 1987 bà được cấp 51,3m2, quá trình ở diện tích thực tế nhà bà đã sử dụng là 71,8m2 từ trước năm 1993 và không có tranh chấp với ai.
Năm 2018, quận Hà Đông thông báo thu hồi, giải tỏa toàn bộ khu vực này trong đó có nhà bà để thực hiện dự án, nhưng mức đền bù quá thấp cho nên bà không đồng tình. Việc quản lý sử dụng đất không có tranh chấp, quá trình quản lý, sử dụng không có biên bản ngăn chặn của cấp có thẩm quyền, hiện đây là chỗ ở duy nhất cho nên gia đình bà kiên quyết không đồng ý với chính quyền về mức đền bù, hỗ trợ di dời, giải tỏa.
Cùng tổ dân phố số 7, ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ, chúng tôi được phân đất ở mấy chục năm nay rồi, nhà tôi 81m2 ở từ trước năm 1987. Theo quy hoạch dự án, nhà tôi thuộc diện giải tỏa toàn bộ, nhưng sau kiểm đếm thì chỉ được đền bù hơn 300 triệu đồng (cả đất và tài sản trên đất). Với số tiền đó, chúng tôi không thể mua đất ở đâu khác để xây nhà ở được.
Theo UBND quận Hà Đông, nhìn tổng thể thì hiện công tác giải phóng mặt bằng đang gặp 8 vướng mắc chính, trong đó có những vướng mắc không dễ giải quyết như công tác xác nhận nguồn gốc đất, giá đất ở cụ thể, công tác kiểm đếm, thống kê tài sản, quỹ đất bố trí tái định cư...
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Để thúc đẩy thi công dự án trọng điểm này, ngày 23/9/2022, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa.
Theo đó, giao UBND quận Hà Đông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành phương án bồi thường hỗ trợ đối với toàn bộ các tổ chức, hộ gia đình trong phạm vi dự án hiện chưa giải phóng mặt bằng xong (tổng diện tích 9,3ha), thời gian hoàn thành trước ngày 30/10/2022; giao cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng tham mưu cho thành phố giải quyết dứt điểm phương án di chuyển hệ thống điện trong chỉ giới giải phóng mặt bằng; xử lý việc cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất cho một số trường hợp sau thời điểm có thu hồi đất thực hiện dự án...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nhiệm vụ là chủ đầu tư dự án cần tổng hợp toàn diện kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc, trách nhiệm của các đơn vị liên quan để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ từng vướng mắc nảy sinh.
Một chiều đầu tháng 10, trời mưa tầm tã, tại tổ dân phố số 7, phường Quang Trung, những người dân trong diện bị thu hồi đất và các cán bộ Ban duy tu ngồi trú mưa trong một mái lều bán hàng ăn sáng. Chúng tôi chứng kiến những phút trải lòng của người dân trong tâm trạng đi cũng dở, ở không xong vì chưa biết đến bao giờ các cơ quan chức năng mới lắng nghe, giải quyết thấu đáo quyền lợi của họ. Những cán bộ của Ban duy tu cũng trải lòng về tháng ngày chờ đợi có mặt bằng để thi công dự án dứt điểm. Họ đã đợi gần 10 năm.