Không để hàng hóa, nông sản ách tắc tại vùng giãn cách Đơn Dương
Ngay sau khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với thôn Tân Lập, xã Lạc Lâm và toàn bộ thị trấn Thạnh Mỹ; đồng thời, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 đối với các xã, thị trấn còn lại thuộc huyện Đơn Dương, việc lưu thông ra vào các chốt kiểm soát được thực hiện ra sao đang được nhiều người dân, đặc biệt là tài xế vận chuyển hàng hóa nông sản ra vào địa phương quan tâm.
Kiểm soát chặt, không “ngăn sông, cấm chợ”
UBND huyện Đơn Dương khẳng định việc lưu thông qua các chốt theo tinh thần không “ngăn sông, cấm chợ”, cố gắng không để xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa, đảm bảo người dân qua lại bình thường khi đáp ứng đủ một số điều kiện phòng chống dịch an toàn.
Đơn Dương là vựa rau lớn nhất trên địa bàn tỉnh, cung ứng hàng trăm tấn nông sản mỗi ngày cho các địa phường khác. Con đường chính vận chuyển hàng hóa là Quốc lộ 27 đi qua trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ với lưu lượng xe mỗi ngày khá lớn. Từ đây, nông sản được vận chuyển về các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... qua Quốc lộ 20 (qua địa bàn huyện Đức Trọng, Di Linh, TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai).
Đại tá Nguyễn Hưng - Trưởng Công an huyện, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Đơn Dương cho biết, theo quyết định của UBND huyện Đơn Dương, hiện trên địa bàn có 4 chốt chính, 1 chốt phụ kiểm soát dịch mới được thành lập. Cụ thể, có 2 chốt đặt tại 2 đầu thị trấn Thạnh Mỹ (Quốc lộ 27), 1 chốt thôn Tân Lập (xã Lạc Lâm), 1 chốt tại đầu cầu ông Thiều (xã Tu Tra) và một chốt tại đường ngang qua các xã, đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ.
Tại đây, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ hướng dẫn người dân các thủ tục qua chốt, kiểm soát, sàng lọc chặt chẽ các trường hợp người dân, xe lưu thông ra vào địa phương.
“Trường hợp các tài xế xe tải chở nông sản ra hoặc vào địa bàn huyện phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định mới được cấp phiếu lưu thông qua chốt. Đây là quy định bắt buộc giúp công tác phòng chống dịch tại địa phương đạt hiệu quả tốt” - Đại tá Hưng cho biết.
Riêng đối với tài xế, người dân khai báo lưu thông trong địa bàn nội huyện sẽ được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện cấp giấy qua chốt kiểm soát bình thường. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm xác thực đối với thông tin nguồn gốc tài xế là công dân của địa phương, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn nội huyện với việc khai báo y tế trung thực, chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đơn Dương, các đơn vị liên đã có hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện cấp phiếu lưu thông tạm thời cho các xe vận chuyển hàng hóa trong địa bàn huyện, yêu cầu ghi rõ biển số xe, tên tuổi, khai báo y tế khi qua chốt.
Cấp giấy thông hành tạm thời, thu mua nông sản tại vườn
Là vùng sản xuất nông nghiệp của huyện, xã Lạc Lâm từ 0 giờ ngày 11/7 đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với thôn Tân Lập và Chỉ thị số 15 đối với 11 thôn còn lại. Ông Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết đa số bà con chấp hành tốt quy định giãn cách xã hội, có ý thức tốt trong việc phối hợp với ngành chức năng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Về vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản qua các chốt, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, ngày 10/7, UBND xã Lạc Lâm đã ra thông báo đối với xe vận chuyển hàng hóa trong địa bàn huyện Đơn Dương, nếu có nhu cầu ra vào khu vực thị trấn Thanh Mỹ và thôn Tân Lập thì đến tại chốt kiểm soát đăng ký phiếu lưu thông tạm thời. Tài xế mang theo giấy CMND, sổ hộ khẩu; đồng thời, khai báo địa chỉ nơi đi nơi đến, có địa chỉ cụ thể kèm số điện thoại.
Còn đối với bà con có đất sản xuất trong thị trấn Thanh Mỹ và thôn Tân Lập cũng được cấp giấy thông hành tạm thời về sản xuất nông nghiệp; đồng thời, cam kết tự theo dõi sức khỏe, khuyến cáo nông dân chỉ đi vào vườn khi có việc cần thiết, cam kết không tiếp xúc hay nói chuyện với ai. Khi ra khỏi vùng dịch, người dân cũng được đề nghị đến Trạm Y tế để kiểm tra sức khỏe.
Riêng người dân thôn Tân Lập, theo ông Kiên chủ yếu kinh doanh buôn bán, chỉ một số ít người dân có đất sản xuất ở ngoài thôn nên không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp.
“Hiện tại, bà con trong xã chấp hành các quy định về giãn cách xã hội rất tốt. Ngày hôm qua, ngay khi có thông báo giãn cách xã hội thì bà con đã chủ động sắp xếp công việc, sản xuất. Trong thôn Tân Lập có 2 vựa rau lớn cũng đã nhanh chóng dời nông sản ra ngoài thôn và cam kết sẽ thu mua nông sản của bà con nông dân ngay tại vườn thay vì tập kết về vựa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch” - ông Trương Quang Kiên nói.
Ông Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho rằng, địa phương là vựa rau lớn của tỉnh nên ưu tiên số một của huyện Đơn Dương hiện nay là thực hiện các giải pháp làm sao để vẫn thực hiện đảm bảo các điều kiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Chỉ chị 15 nhưng hàng hóa, nông sản của bà con không bị ùn ứ, đình trệ.
“Huyện sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân, tiểu thương vận chuyển hàng hóa một cách thuận tiện. Trong đó, chúng tôi tập trung ưu tiên test nhanh cho tài xế và các phụ xe; kiểm soát chặt chẽ việc các tài xế phải có nhật ký hành trình chuyến đi, khi trở về địa phương phải cam kết tự theo dõi sức khỏe ở nhà, không đi đâu hay tiếp xúc với nhiều người” - ông Tùng thông tin.
Hiện tới sáng 11/7, qua công tác xét nghiệm RT-PCR của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm Covid-19 tại huyện Đơn Dương. Ca F0 mới này thuộc chuỗi lây nhiễm của chùm 3 ca bệnh Covid-19 từ TP Hồ Chí Minh đến làm việc tại Argribank Đơn Dương từ ngày 27/6 - 7/7.