Không để hộ vay bị gián đoạn sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã tập trung giải ngân các nguồn vốn, doanh số cho vay đạt gần 1.264 tỷ đồng với 22.306 lượt khách hàng được vay vốn. Hoạt động tín dụng chính sách thông suốt đã giúp các hộ vay không bị gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai thực hiện giao dịch, giải ngân cho vay tại Điểm giao dịch phường Diên Hồng, TP Pleiku. Ảnh: Sơn Ca

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai thực hiện giao dịch, giải ngân cho vay tại Điểm giao dịch phường Diên Hồng, TP Pleiku. Ảnh: Sơn Ca

Trong những tháng đầu của năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch. Từ thực tế hoạt động tín dụng chính sách ở địa bàn nông thôn và đô thị đã cho thấy, nhu cầu vốn trong người dân ngày càng lớn, mức vay gia tăng hơn, đặt ra yêu cầu ngân hàng cần phải tập trung- tranh thủ nguồn vốn lớn cho vay.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã tập trung huy động các nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn Trung ương giao, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

 Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Chư Sê phối hợp với hội, đoàn thể kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại địa bàn xã Ia Glai. Ảnh: Lý Nguyễn

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Chư Sê phối hợp với hội, đoàn thể kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại địa bàn xã Ia Glai. Ảnh: Lý Nguyễn

Tính đến ngày 30-4, Chi nhánh đã tập trung giải ngân các nguồn vốn, doanh số cho vay đạt gần 1.264 tỷ đồng với 22.306 lượt khách hàng được vay vốn. Đi đôi với hoạt động cho vay, doanh số thu nợ đạt gần 965 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn để ngân hàng cho vay quay vòng. Đánh giá sơ bộ về tình hình hoạt động tín dụng chính sách, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai nhận định: “Bám sát tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể, phù hợp với các yêu cầu thực tế của hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đảm bảo kịp thời, phát huy hiệu quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Nguồn vốn giải ngân tập trung các chương trình tín dụng chủ yếu như: Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ cận nghèo, hộ nghèo; không để hoạt động sản xuất của người dân bị gián đoạn do thiếu vốn.

Là người vay vốn tín dụng chính sách để tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, anh Kpă Vơng (làng Yon Tok, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ mà đời sống ổn định dần. Bây giờ, tôi vay vốn giải giải quyết việc làm để chăm sóc vườn cà phê 600 cây, trồng 1 sào chanh dây. Ngoài ra, tôi vay thêm vốn nước sạch vệ sinh môi trường”.

Ở địa bàn đô thị, nguồn vốn tín dụng chính sách lãi suất thấp đã phát huy vai trò hỗ trợ tài chính, đáp ứng tốt nhu cầu vốn nhỏ lẻ của người dân. Ông Trần Hữu Anh (86 Nguyễn Văn Cừ, TP Pleiku)-một hộ vay hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi đang kinh doanh một tiệm tạp hóa nhỏ. Tôi vay thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để bổ sung nguồn vốn lưu động, nhập thêm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Tôi thấy điều kiện vay, hồ sơ thủ tục đơn giản, lãi suất tốt, thời gian vay vốn phù hợp với đặc thù lĩnh vực kinh doanh này”.

 Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai hướng dẫn hộ vay thực hiện thủ tục vay vốn. Ảnh: Sơn Ca

Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai hướng dẫn hộ vay thực hiện thủ tục vay vốn. Ảnh: Sơn Ca

Trong bối cảnh toàn tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở cơ sở vẫn nỗ lực giữ nhịp vận hành xuyên suốt, không để người dân bị ảnh hưởng.

Đơn cử tại địa bàn huyện Chư Sê, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 30-4 đạt 499,7 tỷ đồng. Trong đó, riêng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác là 15,9 tỷ đồng. Nguồn vốn dồi dào, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê đã tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn của bà con. Doanh số cho vay đạt 70 tỷ đồng, với 1.384 lượt hộ vay. Tổng dư nợ đến cuối tháng 4-2025 là 499,5 tỷ đồng, với 11.057 hộ vay dư nợ. Ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm, huyện Chư Sê đã quan tâm chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội 3 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân đã đáp ứng nhu cầu vốn của bà con trong đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, lao động đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

 Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca

Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 309-KH/TU ngày 17-01-2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư; bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.

Từ kết quả thực hiện hoạt động tín dụng chính sách 4 tháng vừa qua, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai thông tin thêm: “Một điểm sáng nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội là các chỉ tiêu chủ yếu về huy động vốn, tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng thực hiện tốt. Tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 7.762 tỷ đồng với 188.440 khách hàng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 4,01%, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,08%/tổng dư nợ”.

Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, trong tháng 5-2025, Chi nhánh tập trung giải ngân nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội và một số nguồn vốn khác theo kế hoạch.

SƠN CA

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khong-de-ho-vay-bi-gian-doan-san-xuat-kinh-doanh-vi-thieu-von-post321195.html