Không để học nghề là lựa chọn cuối cùng

Không phải lựa chọn cuối cùng của học sinh yếu kém, trường nghề nên là một lựa chọn ưu tiên thu hút nhiều học sinh khá giỏi.

Cách nhìn nhận của xã hội cần thay đổi với những học sinh, sinh viên trường nghề.Trong ảnh tư liệu: Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương học nghề

Chiều 6.6, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận còn không ít yếu kém ở lĩnh vực này. Giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, trình độ, mạng lưới, phân bổ đào tạo còn nhiều hạn chế.

Đây là một vấn đề nóng cả trong nghị trường Quốc hội lẫn thực tiễn cuộc sống ở thời điểm này. Những cách hiểu sai lầm, hạn chế và sai mục đích trong đào tạo nghề hiện nay là thực trạng mà nhiều lượt đại biểu đã chất vấn, tranh luận trong gần 1 ngày trên nghị trường. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không nên để việc vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng.

Hiện nay, nhiều học sinh lớp 9, lớp 12 đang chuyển giao giữa 2 cấp học quan trọng. Nhiều em chọn các trường THPT, đại học công lập, số khác chọn trường nghề. Tuy nhiên, cả trong nhận thức lẫn thực tế thì dường như trường nghề đang là lựa chọn cuối cùng của nhiều học sinh. Học sinh nghĩ tới việc học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu do không thi đỗ được vào các trường mình mong muốn, lực học kém... và vào học chỉ để lấy tấm bằng. Về tâm lý xã hội, thông thường khi thấy một học sinh chọn học trường nghề thì người ta nghĩ ngay do học sinh đó không đủ năng lực để học các trường công lập hay học một hệ khác.

Thực tế này cũng được Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nêu khi chất vấn tại nghị trường. Đại biểu thông tin theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS không thi được vào các trường THPT công lập nên chọn học các trường trung cấp này chỉ để lấy bằng tốt nghiệp rồi lại thi tiếp vào đại học, gây lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề. Việc này làm sai lệch mục đích của đào tạo nghề là giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho học sinh, sinh viên ra trường có thể sớm tham gia thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực.

Chỉ thị số 21 ngày 4.5.2023 của Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút được 50-55% số học sinh vào học các trường nghề. Có ý kiến cho rằng đây là mục tiêu khó, nhưng sẽ dễ hơn rất nhiều nếu thống nhất được hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông và cùng một bộ thực hiện quản lý nhà nước.

Rõ ràng, những năm gần đây, việc đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường nghề cả nước nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng đã được quan tâm hơn. Học sinh có nhiều thuận lợi khi học nghề nhưng tâm lý coi trường nghề là lựa chọn cuối cùng vẫn đè nặng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã một lần nữa lưu ý lại điều các đại biểu Quốc hội đã nêu rằng “không nên để việc vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng”. Trong đó, cần khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Để làm được việc đó, cần có sự thay đổi ngay từ chính nhận thức của học sinh, phụ huynh, nhà trường khi định hướng chọn ngành nghề. Cách nhìn nhận của xã hội cần thay đổi với những học sinh, sinh viên trường nghề.

Các địa phương và trường nghề cần triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược, quy hoạch, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Có chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho một số đối tượng. Thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình. Đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo, nâng cao năng lực nhà giáo. Chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới. Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp...

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/khong-de-hoc-nghe-la-lua-chon-cuoi-cung-236954