Không để học sinh quá tải vì học bù

Theo kế hoạch điều chỉnh khung năm học đã được Bộ GDĐT công bố, từ đầu tháng 3 tới học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành sẽ trở lại trường học.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc học bù sẽ diễn ra như thế nào, Bộ GDĐT đã có những lưu ý cụ thể để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chương trình. Tinh thần là không để học sinh vì phải học bù mà bị quá tải dẫn đến căng thẳng.

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), hiện nay khung thời gian kế hoạch năm học đã được quy định trong quyết định 2011 của Bộ là quy định một số mốc trong năm học, trong đó thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5. Các trường trong thời gian nghỉ có thể sử dụng nhiều phương án ôn tập cho học sinh tại nhà nhưng không thay thế được việc học trên lớp. Vì vậy, Bộ đã phải tính đến phương án lùi thời gian kết thúc năm học muộn hơn từ 1 đến 3 tuần để đảm bảo kế hoạch học tập. Còn việc hướng dẫn chi tiết việc học tiếp sau đây ra sao, ông Thành khẳng định, khung thời gian đã được Bộ quy định, chương trình quy định rồi, căn cứ thời gian đó để các địa phương xây dựng kế hoạch chương trình. Vấn đề băn khoăn hiện nay không phải là hướng dẫn chi tiết mà quan trọng là khung kế hoạch để các địa phương và nhà trường chủ động, các con tiếp nhận bài giảng. Vì có thời gian 1 tuần dự phòng nên Bộ GDĐT lưu ý các địa phương, các nhà trường cần bố trí linh hoạt để khi các con quay trở lại trường là hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu giáo dục.

Y kiến nhiều chuyên gia cho thấy, học sinh đã có một kỳ nghỉ Tết kéo dài nên việc trở lại trường tới đây chắc chắn sẽ có một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn, hàng ngày trẻ phải thức dậy vào một giờ cố định để kịp ăn sáng và đến trường trong khi lúc nghỉ, có thể các em được tự do ngủ dậy mấy giờ cũng được. Vì vậy, trước mắt để chuẩn bị cho việc trở lại học tập ở trường, các chuyên gia lưu ý các bậc phụ huynh cần đưa ra kỷ luật tại gia đình. Không nên để các em chỉ chơi cả ngày, có thể quy định giờ các em phải làm việc này, việc kia…Đảm bảo nề nếp sinh hoạt hợp lý để sẵn sàng cho việc đi học trở lại, không quá xáo trộn nếp sinh hoạt. Thứ hai, các nhà trường cần hướng dẫn các thầy cô giáo vừa đảm bảo kết nối với các gia đình, giao bài ôn tập để các con không xa rời kiến thức đồng thời các bậc cha mẹ cũng phải hướng dẫn các em những biện pháp phòng dịch cần thiết. Đơn giản như việc rửa tay đúng cách theo hướng dẫn cụ thể của Bộ y tế, các quy trình đảm bảo an toàn khi đến trường… Để khi con quay trở lại trường đã hình thành được thói quen, nhằm phòng chống tốt nhất việc dịch bệnh lây lan.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/khong-de-hoc-sinh-qua-tai-vi-hoc-bu-tintuc459737