Không để khan hàng, sốt giá dịp cuối năm
Thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, sức mua của người dân tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ hàng hóa đảm bảo nguồn cung không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.
Đẩy mạnh đưa hàng lên kênh trực tuyến
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, DN dự báo nhu cầu tiêu dùng Tết năm nay dự kiến tăng khoảng 30%. Hapro thường xuyên tham gia Chương trình bình ổn giá và dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán hàng năm do Sở Công thương Hà Nội phát động, triển khai tại 3 hệ thống siêu thị: BRGMart, Hapromart, Haprofood.
Để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngay từ đầu tháng 10/2024, Hapro đã làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch nguồn cung sản phẩm các loại. Hệ thống bán lẻ này đã tăng sản lượng hàng Tết lên 30% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện DN có khoảng 20 mặt hàng bình ổn giá, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao như: gạo ST 25 (công ty có vùng nguyên liệu sản xuất), các loại hạt đóng lọ để đóng vào giỏ quà Tết.
Đáng chú ý, ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua online. Để đáp ứng nhu cầu này, Hapro đã xây dựng các trang fanpage, zalo và thông qua những trang giới thiệu của Sở Công thương, trang báo điện tử để giới thiệu các mặt hàng, chương trình khuyến mại của DN.
Mặt khác, tập đoàn cũng có liên kết với các ngân hàng xây dựng nhiều chương trình chiết khấu mở thẻ tiêu dùng để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm thuận tiện hơn.
“Người tiêu dùng hiện đã thích nghi với việc mua hàng trực tuyến nên đã yên tâm hơn trong việc mua sắm online. Phòng bán hàng của Hapro cũng liên tục bổ sung hàng mới, chương trình khuyến mại… để người tiêu dùng thuận tiện theo dõi khi có nhu cầu mua sắm” – bà Tâm cho biết.
Còn theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.op mart Hà Đông, Co.op Mart Hà Đông mang đến thị trường Tết Ất Tỵ 2025 những mẫu giỏ quà kết hợp duyên dáng giữa cổ truyền và hiện đại, với giá đa dạng, giá dao động từ 100.000 đồng - 1,4 triệu đồng, nhằm phục vụ mọi nhu cầu từ trưng bày đến biếu tặng cá nhân, đoàn thể.
“Chúng tôi phục vụ cho rất nhiều DN, nhà hàng, khách sạn… đều đặt hàng online. Doanh số hàng online của chúng tôi tăng 50% cho thấy khách hàng dịch chuyển sang mua bán trực tuyến rất nhiều”- bà Dung thông tin.
Thông tin từ hệ thống siêu thị Winmart cho thấy, những tháng cuối năm là thời điểm vàng của thị trường bán lẻ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nắm bắt xu hướng này, hệ thống siêu thị WinMart đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp từ 2 đến 3 tháng trước Tết Nguyên đán để dự trữ hàng hóa tăng 20% so với cùng kỳ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến.
Ổn định thị trường
Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2024, phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có thiên tai trên địa bàn, góp phần ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết, đảm bảo hàng hóa cung ứng cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa, bão úng ngập những tháng cuối năm 2024.
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn…
Đặc biệt, Sở Công thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; Tổ chức các chợ hoa Xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Để đảm bảo chất lượng hàng Tết, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa để tránh những vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng phục vụ người dân dịp Tết.
Còn tại TPHCM, đại diện Sở Công thương TPHCM thông tin, dự kiến dịp trước trong và sau Tết, các DN trên địa bàn thành phố chuẩn bị nguồn hàng hóa trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ dịp trước, trong và sau Tết, trong đó có gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Về nguồn hàng, Sở Công thương TPHCM cho biết, có 69 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 10 DN so với năm 2024. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ cho chương trình bình ổn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-de-khan-hang-sot-gia-dip-cuoi-nam-10296668.html