Không để khoảng trống sau sắp xếp, tinh gọn các sở, ngành
Thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị các cấp, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, diễn ra sáng 20-2, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết về thành lập, sáp nhập các sở, ngành chuyên môn của UBND tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành sau khi sắp xếp, tinh gọn tuyệt đối không để khoảng trống trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Các vị lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các cán bộ vừa được HĐND tỉnh bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
Theo ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhằm xây dựng hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cuộc cách mạng này sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Với yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện thẩm quyền được giao, tại kỳ họp chuyên đề lần này, HĐND tỉnh đã thông qua 10 nghị quyết về sắp xếp, tinh gọn các cơ quan khối chính quyền địa phương cấp tỉnh, trong đó có thành lập mới, sáp nhập 8 cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh.
Cụ thể, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết về: Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ (cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc và 3 phòng chuyên môn trực thuộc); thành lập Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ (cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, 5 phòng chuyên môn và 3 đơn vị sự nghiệp); thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ (cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, 8 phòng chuyên môn và 3 đơn vị sự nghiệp); thành lập Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, 8 phòng chuyên môn và 1 đơn vị sự nghiệp); thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải (cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, 7 phòng chuyên môn, 1 chi cục, 3 đơn vị trực thuộc); thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, 5 phòng chuyên môn, 7 chi cục, 10 đơn vị sự nghiệp, 1 đơn vị đặc thù); thành lập Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở hợp nhất Sở Văn hóa và Thể thao với Sở Du lịch (cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, 7 phòng chuyên môn và 9 đơn vị sự nghiệp); sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh (cơ cấu tổ chức gồm: Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng, 7 phòng chuyên môn, 1 ban và 3 đơn vị sự nghiệp). Sau khi sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã giảm 7 cơ quan, từ 21 cơ quan xuống còn 14 cơ quan.
Đại biểu Trần Ngọc Sanh - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh bày tỏ: “Việc HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về thành lập, sáp nhập các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã tạo sự thay đổi rất lớn trong cơ cấu tổ chức, bộ máy của chính quyền địa phương cấp tỉnh; đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành như trước đây. Tôi kỳ vọng rất lớn đối với các sở, ngành chuyên môn của UBND tỉnh sau sắp xếp, tinh gọn sẽ nhanh chóng vận hành thông suốt, hiệu quả; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; từ đó chung sức kiến tạo phát triển tỉnh; đáp ứng kỳ vọng của xã hội, người dân, doanh nghiệp…”.
Không để khoảng trống
Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND sau khi thành lập, sáp nhập; Giám đốc của 7 sở vừa được thành lập và Chánh Văn phòng UBND tỉnh cũng đã được HĐND tỉnh bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. UBND tỉnh đang tiếp tục khẩn trương thực hiện việc kiện toàn cơ cấu tổ chức và quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị theo đúng quy định hiện hành nhằm đảm bảo ổn định, đi vào hoạt động có hiệu lực, hiệu quả ngay, không để bê trễ về thời gian hay khoảng trống trong giải quyết các công việc của các sở, ngành. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các công tác sắp xếp nhân sự, tinh gọn các đơn vị, tổ chức bên trong của các sở, ngành mới; thực hiện thay đổi các thủ tục hành chính, sắp xếp về trụ sở làm việc, thay đổi con dấu…
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh nhấn mạnh: “Việc sắp xếp, tinh gọn các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh lần này đảm bảo thực hiện hợp lý, khoa học, theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và đặc thù của tỉnh; không dừng lại ở việc điều chỉnh về mặt cơ cấu mà phải thực sự thay đổi về tư duy quản lý hành chính một cách hiện đại, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong kỷ nguyên mới. Tôi đề nghị các sở, ngành chuyên môn đã được sắp xếp, tinh gọn, nhất là người đứng đầu phải bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ; quan trọng nhất là phải nắm bắt ngay các chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị mới trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập các đơn vị cũ để tổ chức vận hành một cách thông suốt, hiệu quả; có sự phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả… Lãnh đạo UBND tỉnh cũng ghi nhận, đánh giá rất cao các nhân sự đã vì sự nghiệp chung, có đơn xin tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp, tinh gọn các sở, ngành chuyên môn của tỉnh”.