Không để 'khoảng trống' trong thực hiện chính sách

Khảo sát tại một số huyện miền núi về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, được phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình MTQG), chúng tôi được biết, đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 10 dự án thành phần của Chương trình MTQG, một số dự án vẫn chưa được giao vốn.

Có dự án tuy đã được giao vốn giai đoạn 2022-2025 và giao chi tiết năm 2022 nhưng do vướng nhiều thủ tục, quy trình nên vẫn chưa thể giải ngân. Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, nhiều địa phương cho biết, việc giải ngân trong năm 2022 hầu như không khả thi và nếu không được giải ngân, theo quy định, vốn sẽ bị thu hồi. Chương trình MTQG giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, tuy nhiên đã gần hết năm 2022-nghĩa là hơn 1/3 thời gian đã qua, nhưng vốn vẫn chưa được giải ngân trên thực tế, bởi vậy, có thể khẳng định việc triển khai chương trình ở không ít địa phương đang rất chậm.

Ảnh minh họa:TTXVN.

Ảnh minh họa:TTXVN.

Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện liên tục, hiệu quả các chính sách dân tộc, điển hình như Chương trình 135, Chương trình 30a... đã giúp đời sống của đồng bào DTTS được nâng cao, cơ sở hạ tầng khu vực DTTS và miền núi được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn, miền núi thực sự đổi thay, khởi sắc... Đó là thực tiễn sinh động cho thấy công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, việc đầu tư chăm lo cho vùng DTTS và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một chủ trương nhất quán. Hiện nay, các chính sách chủ yếu dành cho vùng DTTS và miền núi không còn tồn tại riêng lẻ mà đã được tích hợp vào Chương trình MTQG với 10 dự án thành phần. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG, nếu không sẽ tạo ra “khoảng trống” trong thực hiện chính sách, không những ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo đối với đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi mà còn làm giảm ý nghĩa của một chủ trương, chính sách đúng đắn, thiết thực, có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước.

Nguyên nhân khách quan của việc chậm triển khai Chương trình MTQG do đây là những năm đầu thực hiện, các ngành, các cấp, các địa phương còn có sự lúng túng, khó khăn nhất định. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, đó là khâu tổ chức triển khai thực hiện còn yếu, bất cập, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện...

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình MTQG (gồm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) được tổ chức ngày 26-9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các chương trình MTQG được nhân dân, người nghèo, người yếu thế, đồng bào DTTS hết sức mong đợi. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, các bộ, ngành phải tiếp tục rà soát, cắt bỏ các quy định, thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm tăng chi phí đầu vào và chậm tiến độ thực hiện... Bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, để việc triển khai Chương trình MTQG thực sự mang lại hiệu quả, nhiều địa phương kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, nghiên cứu cho phép kéo dài, chuyển nguồn vốn chưa giải ngân trong năm 2022 sang những năm tiếp theo...

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-de-khoang-trong-trong-thuc-hien-chinh-sach-706657