Không để lãng phí khi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Dự kiến mỗi năm số tiền miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp khoảng 7.500 tỷ đồng. Song vấn đề là đất nông nghiệp phải được sử dụng vào đúng vào mục đích sản xuất, tránh tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực hoặc sử dụng sai mục đích.

Sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích để tạo ra giá trị từ đất, tránh để hoang hóa, lãng phí. Ảnh: Lê Minh

Sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích để tạo ra giá trị từ đất, tránh để hoang hóa, lãng phí. Ảnh: Lê Minh

Tại các Kết luận số 54, Kết luận số 36, Kết luận số 81-KL/TW; Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương đã có những chủ trương liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng bền vững; sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp.

Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các Quyết định số 124, Quyết định số 357/QĐ-TTg giao nhiệm vụ, giải pháp sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tại Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã quy định về khuyến khích đầu tư sử dụng đất đai cũng quy định: “Tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn” (Điều 8);“Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp” (Khoản 3 Điều 192).

Theo đánh giá của Chính phủ, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với đó, khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới), Bộ Tài chính nêu quan điểm: Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết để tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo dự thảo Nghị quyết thì thời điểm bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Ông Thắng nhìn nhận: Đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho rằng việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp một cách đại trà không tạo ra động lực cho việc sử dụng đất hiệu quả, tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn và việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thời gian vừa qua cũng có phần dẫn đến tình trạng sử dụng đất nông nghiệp còn lãng phí, để hoang hóa. Do đó, đề nghị rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp để có thể thiết kế chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như một công cụ thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp, góp phần thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, chỉ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với trường hợp sử dụng đất đúng vào mục đích sản xuất nông nghiệp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; loại trừ các trường hợp miễn thuế đối với đất bỏ hoang, không sản xuất trong thời gian dài (chẳng hạn từ 2 năm trở lên), đất sử dụng sai mục đích hoặc không có giấy tờ hợp lệ để tránh tình trạng đất bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực hoặc sử dụng sai mục đích.

Theo bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm nữa là phù hợp, trong bối cảnh hiện nay để tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khi sắp tới đây tăng trưởng “2 con số” là vấn đề khó cần sự đóng góp của nhiều ngành, trong đó có nông nghiệp. “Tuy nhiên, đối với trường hợp sử dụng đất đúng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng đất bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực hoặc sử dụng sai mục đích. Việc sử dụng đất nông nghiệp phải được sử dụng có hiệu quả, gia tăng giá trị từ đất đem lại” - bà An nói.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-de-lang-phi-khi-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-10304208.html