Không để lỡ các cơ hội phát triển

Chia sẻ về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh vai trò tham mưu và hành động của Bộ Ngoại giao cũng như việc tận dụng các cơ hội phát triển đất nước…

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo "Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước", ngày 7/12/2020. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo "Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước", ngày 7/12/2020. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sau gần hai năm, đại dịch Covid-19 vẫn đang là cơn ác mộng đối với nhân loại, “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế thế giới đi xuống…

Đại dịch Covid-19 là điều bất ngờ lớn, đến nay chưa đánh giá được nguyên nhân đích thực của nó, cũng như chưa ai có thể dự đoán khi nào thế giới kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh.

Đại dịch thực sự đã làm đảo lộn cả thế giới, tàn phá nền kinh tế toàn cầu về nhiều phương diện, từ việc vận hành nền kinh tế thế giới, thương mại quốc tế đến các chuỗi cung ứng, phương thức vận chuyển… Ở hầu hết các nước đều phải xem lại mô hình tăng trưởng. Có thể nói kinh tế thế giới đang bị bóng đen bao phủ và rất nhiều bất an.

Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới sẽ còn dai dẳng. Điều Đại sứ lo ngại nhất về tác động của đại dịch đối với nền kinh tế Việt Nam?

Kinh tế Việt Nam, trong những năm qua đã hội nhập khá sâu vào kinh tế khu vực và toàn cầu, cũng không phải ngoại lệ. Giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc kiểm soát dịch bệnh, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Dòng vốn đầu tư nước ngoài hướng mạnh vào Việt Nam. Đã nhiều người bàn đến cơ hội cho Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đã lóe lên khát vọng về sự phát triển của đất nước và thắp sáng niềm lạc quan, hy vọng về sự phồn vinh của đất nước.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 vừa qua đang đặt chúng ta trước những thử thách to lớn. Một là, dịch bệnh sẽ còn kéo dài, chưa rõ hồi kết. Hai là, phải có đủ vaccine và vaccine phù hợp, tạo miễn dịch cộng đồng. Ba là, phải sớm nghĩ đến thích nghi với hoàn cảnh mới, sống chung với virus Corona và chuẩn bị đủ thuốc điều trị hiệu quả, không thể trở lại mục tiêu “zero Covid-19” được nữa. Bốn là, điều mà cách đây chúng ta nói về “bình thường mới”, nay cũng đã thay đổi rồi, không còn như vậy nữa.

Trong tình hình mới đó, điều khá tồi tệ đã xảy ra: Trong ngắn hạn, chúng ta đã không duy trì được việc đồng thời theo đuổi mục tiêu kép và lần đầu tiên kể từ năm 2000 trở lại đây, nếu tôi nhớ không nhầm, kinh tế Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng (quý III giảm hơn 6%)!

Điều tôi lo ngại nhất về tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam chính là nguy cơ về sự cát cứ, đứt gãy thị trường ngay ở trong nước, trên sân nhà, đình trệ sản xuất quá lâu, gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến việc mất thị trường, nhiều doanh nghiệp phải giải thể nếu để tình trạng giãn cách kéo dài quá, đảo lộn việc cung ứng lao động, duy trì công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động, phát sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội.

Tình hình kiểm soát dịch bệnh đang khả quan hơn cho phép chúng ta hy vọng sớm khôi phục được sản xuất, kinh doanh, lưu thông, buôn bán, sớm trở lại thực hiện “mục tiêu kép”. Hy vọng Chính phủ sẽ có các biện pháp mạnh tay, phù hợp ở tầm vĩ mô ngăn chặn việc cát cứ, khôi phục sự thống nhất của thị trường và tiếp tục theo đuổi các mục tiêu đã định.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Tổ công tác, ngày 8/9/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Tổ công tác, ngày 8/9/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong bối cảnh hiện nay, vaccine phòng Covid-19 được coi là giải pháp mang tính chiến lược, bền vững trong cuộc chiến chống đại dịch. Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Đại sứ đánh giá như thế nào về việc triển khai ngoại giao vaccine – mũi nhọn trong thực hiện chiến lược vaccine của cả nước cũng như trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua?

Tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ sớm bổ sung chiến lược vaccine vào giải pháp chống dịch lâu dài, bền vững và những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai chiến lược này, trong đó có việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

Tổ công tác đã triển khai công việc ngay và đạt kết quả rất ấn tượng. Từ tất cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao, đến toàn bộ mạng lưới ngoại giao của Việt Nam đã vào cuộc, trong thời gian ngắn đã tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế, đưa về hàng chục triệu liều vaccine ngừa Covid-19 khi đất nước đang rất cần, khối lượng lớn sinh phẩm y tế phục vụ chống dịch, các cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine ở trong nước. Đây là thành quả rất đáng tự hào.

Điều đáng nói và cũng là thành quả to lớn của chiến dịch ngoại giao vaccine, đó là Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, sự ủng hộ to lớn, chân thành của lãnh đạo và nhân dân nhiều nước, nhiều đối tác quốc tế đối với công cuộc chống dịch của Việt Nam, qua đó củng cố quan hệ với các nước, các đối tác. Đây cũng là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp chống dịch cũng như phát triển trong tương lai của đất nước chúng ta.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, chiến dịch ngoại giao vaccine dù rất quan trọng, cũng chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện khẩn cấp vừa qua, không phải nội hàm trọng tâm, lâu dài của ngoại giao kinh tế. Khi đã có đủ vaccine, đạt được các cam kết quốc tế ổn định và dài hạn hoặc đã có thể tiến hành sản xuất trong nước, Tổ công tác này cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.

Tới đây, nguồn cung vaccine sẽ phong phú hơn, số lượng lớn hơn nhiều, đa dạng về chủng loại, điều rất quan trọng là có kế hoạch căn cơ điều hòa, phân bổ các nguồn vaccine đó và sử dụng hiệu quả...

Điều then chốt trong việc bảo đảm vaccine phòng chống dịch là có hợp đồng lâu dài, với các chủng loại vaccine phù hợp với các nhà sản xuất, cung ứng vaccine lớn trên thế giới, kết hợp với việc sản xuất vaccine tại trong nước.

Sẽ rất là tuyệt vời nếu chúng ta có khả năng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 “Made in Viet Nam”, chất lượng tốt, hiệu quả. Chúng ta mong và tin rằng Chính phủ đang làm mọi cách để thúc đẩy việc này.

Ngoài ra, cần khuyến khích có đủ thuốc điều trị Covid-19 cũng như củng cố hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, được trang bị đầy đủ thiết bị phù hợp, có đội ngũ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên ngang tầm yêu cầu mới.

Tôi xin nhấn mạnh thêm rằng, giai đoạn vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt nhiệm vụ ngoại giao vaccine, đóng góp lớn vào việc cung cấp vaccine trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng. Tới đây, nguồn cung vaccine sẽ phong phú hơn, số lượng lớn hơn nhiều, đa dạng về chủng loại, điều rất quan trọng là có kế hoạch căn cơ điều hòa, phân bổ các nguồn vaccine đó và sử dụng chúng hiệu quả, tính đến việc phải tiêm mũi 2, thậm chí mũi 3, 4 phù hợp với các chủng loại vaccine đó.

Việc có nhiều chủng loại vaccine cũng tạo ra những phức tạp nhất định mà các cơ quan liên quan phải xử lý cho kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (trái) trao đổi với ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại lễ tiếp nhận 1,5 triệu vaccine do phía Mỹ viện trợ thông qua cơ chế COVAX, tại sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 25/7/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (trái) trao đổi với ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại lễ tiếp nhận 1,5 triệu vaccine do phía Mỹ viện trợ thông qua cơ chế COVAX, tại sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 25/7/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cho biết “Ngoại giao trong thời đại tới phải tập trung toàn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước” và đặc biệt nhấn mạnh “trọng tâm vào ngoại giao kinh tế, trong đó tranh thủ nguồn ngoại lực quan trọng để phục vụ cho các yếu tố nội lực”.

Tôi đánh giá rất cao và rất đồng tình với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, xác định ưu tiên cao nhất của ngoại giao trong giai đoạn tới đây là tập trung cao độ, toàn lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế là trọng tâm, đặc biệt tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực để phối hợp với các yếu tố nội lực tạo nên sức cộng hưởng cho phát triển.

Đại hội XIII của Đảng đã nói nhiều đến khát vọng phát triển của cả dân tộc. Chúng ta có cơ hội, có khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc, phải biến khát vọng thành hiện thực. Và đây đúng là giai đoạn cần tập trung cao nhất, toàn lực của toàn ngành thực hiện mục tiêu cao cả đó. Đó vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là mệnh lệnh từ trái tim các nhà ngoại giao Việt Nam.

Để phát triển đất nước, nội lực là then chốt, là quyết định, nhưng ngoại lực vô cùng quan trọng, nhất là khi tiềm lực của các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng, còn đang hạn chế.

Là người gắn bó với công tác ngoại giao kinh tế lâu năm, theo Đại sứ, Việt Nam cần phải làm gì để “tranh thủ”được ngày càng nhiều và sử dụng ngày càng hiệu quả “nguồn ngoại lực”cho sự phát triển giai đoạn tới?

Ở đây, chúng ta hiểu “nguồn ngoại lực” theo nghĩa rộng, không chỉ là vốn, là tiền đâu! Ngoại lực hiểu nôm na là những yếu tố từ bên ngoài, gắn với bên ngoài nhưng lại cần thiết, đắc lực phục vụ cho sự phát triển trong nước. Đó là nguồn vốn FDI, là ODA, là thị trường, là kinh nghiệm phát triển, quản trị đất nước, nền kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực…

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi to lớn, ngoại giao Việt Nam nói chung, ngoại giao kinh tế nói riêng, theo tôi, nên tập trung vào mấy việc lớn sau:

Một là, trước mắt, tập trung phục vụ mục tiêu kiểm soát đại dịch (ngoại giao vaccine), tham mưu cho Chính phủ xác định đúng và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Không kiểm soát được dịch bệnh thì khó duy trì được sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội. Ngược lại, sản xuất, kinh doanh, lưu thông, đời sống xã hội ngừng trệ càng khó kiểm soát dịch bệnh, đất nước không phát triển được.

Trong lúc này, điều rất cấp bách là Chính phủ có các biện pháp kịp thời trấn an và hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước, đừng để mất đi cơ hội có được từ năm 2020 về việc tham gia và trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai là, dự báo tình hình quốc tế, kinh tế thế giới, đặc biệt nắm bắt các xu thế mới trong kinh tế thế giới, các nhân tố mới của kinh tế thế giới, thị trường thế giới, mô hình phát triển mới, mũi nhọn khoa học công nghệ… sau Covid-19, các diễn biến mới trên thế giới, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ điều chỉnh định hướng, kế hoạch phát triển phù hợp. Đặc biệt chú ý việc nền kinh tế của ta đã hội nhập và gắn bó mật thiết với kinh tế khu vực và thế giới, tận dụng và không để lỡ các cơ hội phát triển.

Đại dịch Covid-19 làm thế giới thay đổi rất nhiều, trong đó có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Sẽ có nhiều xu hướng mới, có nhiều kinh nghiệm hay của thế giới, có cả những mô hình hay của các nước để ra khỏi đại dịch và phát triển trong tình hình mới. Chúng ta cần theo dõi, nắm bắt kịp thời và có các giải pháp sáng tạo trong điều kiện Việt Nam.

Các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài, đặc biệt là một số cơ quan ở khu vực quan trọng của thế giới phải tập trung cao hơn trước đây, làm “tai mắt” cho Bộ, kịp thời và thường xuyên theo dõi, báo cáo về Bộ.

Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021" với sự tham gia của đông đảo Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ngày 29/7/2021. (Ảnh: Trung Hiếu)

Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021" với sự tham gia của đông đảo Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ngày 29/7/2021. (Ảnh: Trung Hiếu)

Ba là, tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác của Việt Nam, dù là quốc gia hay vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, thậm chí là các tập đoàn quốc tế lớn, bằng các kế hoạch chi tiết, cụ thể, coi trọng trọng tâm, trọng điểm, thực chất. Việc này chúng ta đã triển khai mạnh mấy năm nay, bây giờ cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể hơn, căn cơ hơn.

Bốn là, phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành, hỗ trợ thiết thực các địa phương trong công tác kinh tế đối ngoại. Coi trọng và hợp tác, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp một cách thiết thực. Tôi nghĩ rằng tới đây Bộ Ngoại giao nên tiếp tục kết nối, gắn kết với họ nhiều hơn, có các cuộc đối thoại, trao đổi để hỗ trợ thiết thực nhất việc thực hiện các kế hoạch phát triển. Đặc biệt, nên chăng chủ động tổ chức thường xuyên các cuộc tọa đàm với các CEO hàng đầu Việt Nam, ít nhất 2 lần/năm, tìm các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hữu hiệu nhất.

Năm là, hết sức tranh thủ sự đóng góp của cộng đồng hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Họ là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, nói đến khát vọng phát triển không thể không nói đến sự phát triển của cộng đồng này. Đồng thời, họ cũng là nguồn lực hết sức quan trọng và to lớn, có nhiều chuyên gia giỏi có thể đóng góp cho việc chống dịch cũng như phát triển đất nước.

Như vậy, công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có thêm điểm mới, thưa Đại sứ?

Những mục tiêu và nội hàm về công tác ngoại giao kinh tế thì cơ bản vẫn như chúng ta đã nhận diện, nhưng quan trọng là sắp xếp lại ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, có kế hoạch rõ ràng và cách làm quyết liệt, thiết thực, tránh phô trương, hình thức.

Cái mới ở đây là, tập trung cao độ nắm bắt các xu thế mới, như mô hình tăng trưởng mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu… và kịp thời kiến nghị, tham mưu với cấp trên. Đặc biệt, phối hợp với các bộ, ngành kinh tế có biện pháp để không để mất cơ hội về tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế của Bộ phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên các đơn vị liên quan, các Cơ quan đại diện. Có hình thức kết nối mật thiết với các chuyên gia trong và ngoài nước, CEO doanh nghiệp, thẩm định thông tin và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phát hiện, kết quả dự báo của mình. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thủ tướng và các cơ quan giúp việc của các đồng chí lãnh đạo để nắm bắt kịp thời các vấn đề được Chính phủ đang quan tâm. Ban Chỉ đạo cũng đôn đốc việc thực hiện các cam kết quốc tế, các thỏa thuận với các đối tác, nhất là các hiệp định hợp tác quy mô lớn.

Những việc như trên, Bộ Ngoại giao đã và đang triển khai thường xuyên. Mong rằng tới đây sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn, mang lại hiệu quả thực chất.

Tôi kỳ vọng Bộ sẽ phát hiện, tranh thủ được nhiều hơn nguồn ngoại lực, sử dụng một cách hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, biến khát vọng to lớn của dân tộc ta, nhân dân ta thành hiện thực.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-de-lo-cac-co-hoi-phat-trien-161121.html