Không để mất cân đối cung cầu hàng hóa ngay cả khi dịch bùng phát

Các địa phương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Hiện nay, Sở Công Thương các địa phương đang theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường cuối năm cả trong trường hợp có dịch bệnh.

Tăng cung ứng, dự trữ hàng hóa

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của nhiều bộ phân người dân nhìn chung đều giảm. Dự kiến, sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.

Một số nghiên cứu cho thấy, dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán năm nay nhu cầu mua sắm của người dân sẽ giảm và thực chất hơn những năm trước.

Một số nghiên cứu cho thấy, dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán năm nay nhu cầu mua sắm của người dân sẽ giảm và thực chất hơn những năm trước.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, hiện các địa phương cũng đang triển khai xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa thực hiện dự trữ hàng hóa nhằm bình ổn thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. “Các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ từ 20-30% so với ngày thường nên về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định”, ông Đông cho biết.

Đưa ra dự báo từ góc độ doanh nghiệp, bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ cho rằng, sức mua Tết Nhâm Dần 2022 thậm chí sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021. Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu.

“Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu,…phục vụ việc đón Tết. Doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9/2021 và tháng 10/2021, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực. Lượng hàng hóa hệ thống VinMart/VinMart+ chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng 40% - 50% so với lượng bán bình quân”, bà Hợp cho biết.

Khẳng định tính chủ động trong việc chuẩn bị hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán 2022, ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, doanh nghiệp đã phối hợp với các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần các tháng trong năm, đảm bảo nhu cầu của khách hàng, bình ổn giá.

“Từ nay đến Tết Nguyên đán, doanh nghiệp còn thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại cuối năm nhằm kích cầu mua sắm với các mức giảm giá lên tới 50%, mua 1 tặng 1 đi kèm các quà tặng hấp dẫn”, ông Nguyễn Thái Dũng nói.

Chủ động bảo đảm nguồn cung

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Bộ Công Thương cũng đã tính đến phương án ứng phó trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng vào đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân.

“Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước… đều đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm cần thiết trước mọi cấp độ và diễn biến của dịch Covid-19”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, Sở Công Thương có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; đồng thời chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu.

Các doanh nghiệp bán lẻ tăng cường công tác cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và cao điểm Tết.

Các doanh nghiệp bán lẻ tăng cường công tác cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và cao điểm Tết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường các dịp lễ, Tết.

Đặc biệt, Bộ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo...nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/khong-de-mat-can-doi-cung-cau-hang-hoa-ngay-ca-khi-dich-bung-phat-909622.vov