Không để 'né' trách nhiệm trong giải quyết phản ánh trên Hệ thống tiếp nhận, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Liên quan đến hoạt động của Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật, trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính, ông Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống này được giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm của người dân, doanh nghiệp đối với Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật?

Ông Hồ Quang Huy: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, trách nhiệm phản ứng chính sách, ngày 5/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật” (Đề án).

Ông Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp).

Ông Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp).

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 244/QĐ-TTg, kể từ ngày 31/5/2025, Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật chính thức vận hành tại địa chỉ https://paknvbqppl.moj.gov.vn.

Theo Công điện số 89/CĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chỉ đạo: Bố trí kinh phí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách hằng năm để các bộ, ngành, địa phương quản lý, vận hành Hệ thống thông tin và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật. Khẩn trương bố trí kinh phí năm 2025 theo quy định.

Đến nay, Hệ thống thông tin đã tiếp nhận hơn 260 ý kiến, phản ánh từ người dân, doanh nghiệp, với các nội dung phong phú thuộc nhiều ngành, lĩnh vực.

Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia đối với hoạt động của Hệ thống thông tin.

Phóng viên: Làm cách nào để giám sát việc thực thi chức trách của người đứng đầu trong xử lý kịp thời, không “né” trách nhiệm giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Hồ Quang Huy: Để việc vận hành Hệ thống thông tin ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 16/6/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai Hệ thống thông tin với một trong những trọng tâm là đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Ngoài ra, ngay trên Hệ thống thông tin đã có số liệu thống kê (cập nhật thường xuyên) đánh giá khách quan, minh bạch về chất lượng giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương với 4 mức gồm: Rất không hài lòng, bình thường, hài lòng và rất hài lòng.

Hệ thống thông tin có số liệu thống kê đánh giá khách quan, minh bạch về chất lượng giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương (cập nhật ngày 1/7/2025).

Hệ thống thông tin có số liệu thống kê đánh giá khách quan, minh bạch về chất lượng giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương (cập nhật ngày 1/7/2025).

Bên cạnh đó, còn nhiều hình thức đôn đốc, thúc đẩy, giám sát việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công điện số 89/CĐ-TTg.

Theo đó, với vai trò chủ trì triển khai vận hành Hệ thống thông tin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Đề án và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp; trường hợp phát sinh vướng mắc, cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Đồng thời, thường xuyên tổng hợp tình hình tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh từ các bộ, ngành, địa phương; hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng với báo cáo kết quả hoàn thiện pháp luật, khó khăn vướng mắc của các quy định pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/02/2025 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 01/2025 và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Ảnh chụp màn hình Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.

Ảnh chụp màn hình Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.

Phóng viên: Với tư cách là cơ quan chủ trì triển khai vận hành Hệ thống thông tin, Bộ Tư pháp có lưu ý gì các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, thưa ông?

Ông Hồ Quang Huy: Điều quan trọng là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xác định việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, cần giải quyết kịp thời, nhằm hoàn thiện thể chế, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Từ đó, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cán bộ phụ trách thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt, giải quyết, trả lời đầy đủ, minh bạch các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Phóng viên: Việc triển khai hiệu quả Hệ thống thông tin sẽ mang lại những lợi ích gì cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trên khía cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật thông thoáng, minh bạch, tiết kiệm chi phí cho các đối tượng bị điều chỉnh, thưa ông?

Ông Hồ Quang Huy: Không chỉ là nơi tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Hệ thống thông tin còn là kênh phản biện chính sách.

Theo đó, trên cơ sở các phản ánh, kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu, để không chỉ giải quyết ngay những vấn đề đặt ra trước mắt, khắc phục các bất cập, hạn chế của quy định pháp luật hiện hành, mà còn chắt lọc các ý kiến, từ đó tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Do đó, việc triển khai có hiệu quả Hệ thống thông tin sẽ đóng góp tích cực vào hoạch định chính sách, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia theo những yêu rất cao được nêu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hữu Hòe

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khong-de-ne-trach-nhiem-trong-giai-quyet-phan-anh-tren-he-thong-tiep-nhan-xu-ly-van-ban-quy-pham-phap-luat.html