Phát triển cảng biển Khánh Hòa, ưu tiên cảng hành khách
Cục Hàng hải và Đường thủy VN vừa trình Bộ Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Số lượt tàu biển giảm, lượng hành khách có xu hướng tăng
Thống kê cho thấy năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Khánh Hòa đạt 13,92 triệu tấn, chiếm khoảng 11,9% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 3. Hàng qua cảng chủ yếu là hàng tổng hợp, rời, còn lại là hàng lỏng, chưa có hàng container.

Thời gian qua, số lượt tàu biển giảm 1,6% qua từng năm, trong khi số lượt khách có xu hướng tăng (Ảnh: TL).
Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt 12%/năm. Tuy nhiên, số lượt tàu biển giảm 1,6% qua từng năm, trong khi số lượt khách có xu hướng tăng.
Tính tới thời điểm hiện tại, cảng biển Khánh Hòa có 38 cầu cảng với tổng chiều dài 7.524,8m. Cảng biển đã tiếp nhận tàu hàng lỏng lớn nhất có trọng tải đến 150.000 tấn, tàu hàng rời có trọng tải 100.000 tấn, tàu tổng hợp có trọng tải đến 110.000 tấn và tàu hành khách có trọng tải đến 60.000 GT.
Khu vực cũng có các nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu trọng tải đến 400.000 tấn và hoạt động các bến du thuyền phát triển du lịch biển.
Khu vực có 3 luồng hàng hải công cộng chính là luồng Đầm Môn (dài 16,5km, rộng 200m, độ sâu thiết kế tối thiểu -16 mHĐ), luồng Nha Trang (dài 10,7km, rộng 200m, độ sâu thiết kế tối thiểu -11 mHĐ) và luồng Ba Ngòi (dài 13km, rộng 200 - 450m, cao độ đáy luồng thiết kế theo cao độ tự nhiên).
Dự báo thời gian tới, sản lượng hành khách qua cảng biển Khánh Hòa sẽ có sự tăng trưởng nhưng theo Cục Hàng hải và Đường thủy VN, thời gian qua, cảng biển Nha Trang chưa có cầu cảng khách đáp ứng cho các tàu trọng tải lớn. Các tàu khách lớn phải neo đậu phía ngoài để chuyển tải hành khách.
Trong khi đó, để hình thành và đảm bảo việc vận hành khu bến cảng mới đòi hỏi hạ tầng đồng bộ (bao gồm hạ tầng bến cảng, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật...), trong khi năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế và việc triển khai các hạ tầng nêu trên thuộc trách nhiệm đầu tư của nhiều chủ thể khác nhau gây thiếu đồng bộ, ảnh hưởng chung đến thời gian xây dựng và khai thác bến cảng.
Cần hơn 20.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030
Theo dự thảo quy hoạch, cảng biển Khánh Hòa gồm khu bến Bắc Vân Phong, khu bến Nam Vân Phong, khu bến Nha Trang, khu bến Cam Ranh, bến cảng huyện đảo Trường Sa và các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 26,5 - 32,2 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,04 - 0,08 triệu Teu, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế). Sản lượng hành khách từ 549,9 - 612,9 nghìn lượt khách.
Khu vực sẽ có 21 bến cảng, gồm 47 cầu cảng với tổng chiều dài 10.205m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Khánh Hòa đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4,5 - 5,5%/năm. Giai đoạn này, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Với quy hoạch đó, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 20.907 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 523 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 20.384 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Dự thảo quy hoạch cũng định hướng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng. Cụ thể, cải tạo nâng cấp các tuyến luồng hàng hải như tuyến luồng dùng chung vào khu bến Nam Vân Phong; tuyến luồng Ba Ngòi cho tàu 50.000 tấn.
Đồng thời, đầu tư xây dựng Đài thông tin duyên hải, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Đại diện tại Trường Sa, hệ thống đèn biển tại Trường Sa, cũng như các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư các bến cảng tại khu bến tại Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh.