Không để người dân ở lại phía sau trong chuyển đổi số
Tình nguyện viên Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một sẵn sàng hỗ trợ người dân trong công tác CĐS, nộp hồ sơ trực tuyến
Người dân cần được hỗ trợ
Trong những ngày cuối tháng 3-2023, đến Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi bắt gặp được những hình ảnh cán bộ, tình nguyện viên hỗ trợ người dân tích cực làm hồ sơ trên môi trường mạng, nhất là việc tạo tài khoản cá nhân, hỗ trợ scan hồ sơ. Bà Lê Thị Mỹ Tiên, ngụ phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Tôi đến làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, sau khi xem hồ sơ, các em tình nguyện viên đã hướng dẫn và hỗ trợ tôi hoàn thành việc nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả giấy phép tại nhà. Đến nay, tôi đã nhận được giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Các cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một hỗ trợ người dân rất tích cực, nhiệt tình”.
Ghi nhận chung cho thấy, các địa phương như phường Phú Mỹ, Hòa Phú, Phú Tân, Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một); Bình Hòa, Bình Nhâm, Hưng Định, An Phú, Vĩnh Phú (TP. Thuận An); Bình Thắng, Tân Đông Hiệp, Dĩ An (TP.Dĩ An)… đã có đội tình nguyện viên là cán bộ phục vụ hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng đối với các TTHC đủ điều kiện giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Ông Ngô Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Định, TP.Thuận An, chia sẻ phường đã thành lập các tổ, nhóm công nghệ số cộng đồng đến từng khu phố triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách tạo tài khoản, giới thiệu dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; cách sử dụng Viettel money, VNPT money, sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, địa chỉ số, trình duyệt Cốc Cốc; hướng dẫn cách thức hoạt động trên môi trường mạng…
Trong giai đoạn CĐS nay, nhất là khi giải quyết TTHC trên môi trường mạng, người dân còn ít am hiểm về CĐS, các phần mềm ứng dụng... Vì vậy, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ chung hiện nay của từng địa phương, từ cấp ủy Đảng, chính quyến đến mặt trận, đoàn thể nhằm giúp người dân hiểu về tiện ích và chủ động thực hiện TTHC trên môi trường mạng. Nói như ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, CĐS là để phục vụ con người. Do đó, việc thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân trở thành những “công dân số” sẽ mang tính quyết định đến sự thành công trong công tác CĐS. Người dân là mục tiêu và cũng là động lực quan trọng nhất, mang tính quyết định thành công trong công tác CĐS theo kế hoạch của tỉnh, của Chính phủ.
Không để người dân ở lại phía sau
Có đi mới thấy hết cả những niềm vui lẫn khó khăn của người dân trong việc tiếp cận thông tin CĐS. Những khó khăn chung trong giai đoạn đầu của chuyển động CĐS ai cũng nhìn thấy, từ quy định chung bắt buộc đến những chỉ tiêu kế hoạch đặt ra như tỷ lệ % hồ sơ giải quyết trực tuyến, chỉ tiêu thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, việc đồng bộ hóa dữ liệu, hồ sơ; khó khăn về đường truyền trên hệ thống; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa chấp nhận chứng thực điện tử; nhiều cán bộ còn yêu cầu người dân xác nhận nơi cư trú, giấy tờ sao y… Hàng loạt khó khăn chung mà các địa phương đang gặp phải đã được ngành chức năng kiến nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để tham mưu Chính phủ tìm giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) khi về Bình Dương khảo sát cũng đã ghi nhận các khó khăn, vướng mắc trong công tác CĐS. “Khó nhưng phải vẫn quyết tâm thực hiện. Mọi cán bộ phụ trách phải giúp đỡ người dân cùng hiểu và thực hiện, chung tay với chính quyền các cấp trong công tác CĐS…”, ông Tiến nói và nhấn mạnh rằng: Không để người dân ở lại phía sau. Trong CĐS phải làm từng bước, có lộ trình rõ ràng, khó khăn đến đâu kiến nghị đến đó vì đây là điều tất yếu, phù hợp xu thế phát triển. Từng cán bộ, đảng viên phải chung tay, chung sức, chứ không được bàn lùi; khó khăn thì kiến nghị để tìm giải pháp tháo gỡ, nhất là công tác giải quyết TTHC trên môi trường mạng.. .
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN