Không để người dân thiệt thòi trong GPMB cao tốc Bắc - Nam qua Cà Mau

Trong GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu phải bảo đảm người dân sau khi di dời có cuộc sống tốt hơn.

Không để người dân bị thiệt thòi

Ngày 23/3, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Thới Bình.

Tại buổi kiểm tra, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị đối với công tác GPMB phải thực hiện đúng, đủ, áp dụng tất cả các chính sách. Bảo đảm người dân sau khi di dời đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt phải có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống, không để người dân bị thiệt thòi.

Nhà thầu tập trung triển khai thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Nhà thầu tập trung triển khai thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

"Chủ đầu tư, đơn vị thi công phải có kế hoạch thi công cụ thể. Địa phương phải có kế hoạch bàn giao mặt bằng. Tổ theo dõi tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB tích cực vận động, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trên tinh thần đặt quyền lợi của người dân lên trên, không để phát sinh điểm nóng", ông Việt lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu, trong tháng 4/2023 phải bàn giao cơ bản mặt bằng và hạ tầng của dự án. Nhà thầu lưu ý thực hiện đầy đủ các thủ tục tạm trú cho lực lượng tham gia thi công, nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thực hiện dự án.

“Cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sẽ quyết liệt vào cuộc. Vì vậy, chủ đầu tư, nhà thầu cũng phải tập trung tối đa lực lượng. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng dự án”, ông Việt nhấn mạnh.

Triển khai nhiều mũi thi công

Theo ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, dự án được thực hiện trên địa bàn các xã: Thới Bình; Tân Phú và Hồ Thị Kỷ, với chiều dài 21,9km. Dự án ảnh hưởng 502 hộ dân và 2 tổ chức, với diện tích 140ha, đã bàn giao mặt bằng sạch đạt trên 98%.

Đoạn bổ sung (phần tuyến nối) từ đường Võ Văn Kiệt (đấu nối đường Hành lang ven biển phía Nam) đấu nối vào QL1, với chiều dài 16,6km. Tổng chi phí GPMB trên địa bàn tỉnh theo dự án được duyệt là 675,60 tỷ đồng.

Đối với tuyến nối vào QL1 đã phê duyệt phương án GPMB cho 115 hộ, diện tích 14,23ha, số tiền 38,49 tỷ đồng và đã chi trả được 79/115 hộ, với số tiền 28,77 tỷ đồng. Diện tích đất sạch 13,33ha, đạt 43,65% tổng diện tích của phần tuyến nối.

Ông Lý Minh Vững mong muốn, thời gian tới nhà thầu và đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi dự án đi qua, nhằm đảm bảo an toàn cho con người, vật tư.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) và nhà thầu thi công, trên cơ sở được bàn giao mặt bằng, đơn vị tập kết phương tiện, nhân lực tiến hành thi công những phần việc ban đầu về cầu, đường.

Đến thời điểm này, nhà thầu đã huy động 8 mũi thi công phần đường và 1 mũi thi công phần cầu, đang huy động thêm nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh cho biết, hiện diện tích thu hồi, bàn giao mặt bằng trong vùng dự án đạt 89,35%.

"Hiện, còn vài hộ chưa chấp nhận phương án bồi hoàn, địa phương đã thành lập 3 Tổ công tác vận động, quyết tâm hoàn thành công tác thu hồi đất, bàn giao cho dự án trong tháng 3/2023", ông Nhẫn thông tin.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khong-de-nguoi-dan-thiet-thoi-trong-gpmb-cao-toc-bac-nam-qua-ca-mau-d585634.html