Không để nhũng nhiễu ảnh hưởng tiến độ các dự án giao thông

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu xử nghiêm những trường hợp gây nhũng nhiễu, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn dự án giao thông. Đặc biệt là gỡ 'điểm nghẽn' về mặt bằng, vật liệu của các dự án cao tốc Bắc-Nam.

Đã giải ngân 58.000 tỷ đồng

Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT sáng 11/10, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ GTVT được phân bổ chủ yếu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 được bố trí hơn 17.500 tỷ đồng; Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí gần 45.500 tỷ đồng.

Các dự án quan trọng, cấp bách được bố trí số vốn gần 1.600 tỷ đồng. Nhóm dự án ODA được bố trí hơn 7.800 tỷ đồng; Các dự án trong nước khác được phân bổ số vốn gần 27.800 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Bộ GTVT đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư khi sản lượng giải ngân đạt 98% kế hoạch đăng ký.

"Theo tính toán, trong, 4 tháng cuối năm, Bộ GTVT cần giải ngân 37.000 tỷ đồng. Nếu các chủ đầu tư được duy trì tốc độ giải ngân như tháng 9/2023, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao của Bộ sẽ đạt được", ông Thái nhận định.

Với sự nỗ lực của toàn ngành GTVT, trong 9 tháng đầu năm, 13 dự án giao thông lớn đã được khởi công và 11 dự án giao thông đã được đưa vào khai thác theo đúng tiến độ yêu cầu, góp phần đưa hơn 500km cao tốc Bắc-Nam vào khai thác trong năm 2023.

Kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình giao thông

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá 9 tháng đầu năm, dù thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song, ngành GTVT đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm của Bộ GTVT còn rất nặng nề với 40% khối lượng giải ngân vốn đầu công còn lại, hoàn thiện tổng kết các luật chuyên ngành (Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt...) để trình cấp có thẩm quyền.

Trên cơ sở đó, bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thành các công việc còn tồn đọng so với kế hoạch đăng ký.

"Với các dự án đang triển khai thi công, các chủ đầu tư, ban QLDA bám sát công trường, phối hợp tháo gỡ vướng mắc công tác GPMB, bãi đổ thải, vật liệu, chuyển đổi đất rừng, đất lúa, hỗ trợ các nhà thầu trong thủ tục nghiệm thu, thanh toán, ngăn chặn những trường hợp gây nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục giải ngân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền", Bộ trưởng GTVT chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng GTVT chỉ đạo Cục quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện gắn với tiến độ giải ngân, đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình. Vị trí nào thấy có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra ngay để đánh giá, có phương án xử lý kịp thời.

Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện gắn với tiến độ giải ngân, đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình, trong đó những vị trí nào thấy có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra ngay để đánh giá, có phương án xử lý kịp thời.

Đặc biệt, liên quan đến công tác bảo đảm ATGT, Bộ trưởng yêu cầu Cục quản lý chuyên ngành chú trọng công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến quốc lộ trọng điểm, có đông phương tiện phải qua lại; Quan tâm công tác kiểm soát tải trọng xe, ngăn chặn tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX;

Nghiên cứu triển khai công trình trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, tuyệt đối không để trạm dừng nghỉ dọc cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 chậm hơn việc xây dựng ở dự án giai đoạn 2; Đẩy nhanh việc trình, thực hiện các đề án quản lý giao thông thông minh, nâng cao hiệu quả của các tuyến cao tốc...

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-de-nhung-nhieu-anh-huong-tien-do-cac-du-an-giao-thong-post1051883.vov