Không để phân bón giả gây thiệt hại sản xuất
Lợi dụng nhu cầu sử dụng phân bón chăm sóc cây trồng của người dân dịp này tăng cao, một số đơn vị đã sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để trục lợi. Để bảo vệ quyền lợi nông dân, lực lượng chức năng tỉnh (Bắc Giang) vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy phân bón giả vừa tịch thu đầu năm nay.
Tái phạm nhiều lần
Ngày 16-1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) Chống hàng giả (Chi cục QLTT), Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp kiểm tra, phát hiện ông Dương Văn Pha, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) kinh doanh 1,5 tấn NPK 12-5-10+TE của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Hà Thành (Hà Nội) giả, không có giá trị sử dụng; 1,3 tấn NPK 12-2-12 của Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Đại Sơn (Hà Nội) chất lượng kém. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, xử phạt chủ cơ sở gần 20 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng giả; yêu cầu tái chế hàng kém chất lượng.
Trước đó, ngày 19-12-2017, lực lượng chức năng cũng phát hiện cửa hàng kinh doanh của các ông Đỗ Văn Tạo, bản Làng Dưới; Phạm Văn Hiền, bản Đồng Gián, xã Xuân Lương (Yên Thế) kinh doanh gần 6 tấn N-P-K của Công ty cổ phần Phân bón Hà Bắc, Cụm công nghiệp Xương Giang II (TP Bắc Giang) không bảo đảm chất lượng. Lực lượng chức năng đã thiết lập hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt doanh nghiệp này 100 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Thống kê của Chi cục QLTT cho thấy, từ cuối năm 2017 đến nay đơn vị đã phối hợp kiểm tra, phát hiện 46 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, tổng tiền xử phạt hơn 230 triệu đồng. Ông Trần Trọng Phong, Đội phó Đội QLTT Chống hàng giả cho biết, đa phần các vụ việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả bị phát hiện thời gian qua đều do các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện lưu hành, có đăng ký, công nhận nhãn hiệu, chất lượng, tiêu chuẩn... Trong đó, nhiều trường hợp tái phạm, điển hình nhất là Công ty cổ phần Phân bón Hà Bắc. Năm 2012, Công ty này bị xử phạt 55 triệu đồng về hành vi sản xuất phân bón không bảo đảm chất lượng và năm 2016 cũng bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hành vi tương tự.
Tăng cường kiểm tra
Lợi nhuận mang lại của việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả lớn, vì vậy nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp quy định nhằm trục lợi. Trong khi đó, các vi phạm đều được che giấu tinh vi. Một cán bộ đội QLTT Chống hàng giả nói: “Thời gian phân tích kéo dài hàng tuần, nhiều khi có kết quả cũng là lúc đơn vị đã bán hết lô hàng vi phạm khiến công tác xử lý gặp trở ngại”.
Hơn 2 tháng qua, đại lý, cửa hàng tại các địa phương có vùng cây ăn quả tập trung, diện tích canh tác lớn như Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên… cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón cho nông dân. Dự kiến, nhu cầu sử dụng vật tư này còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đại diện lãnh Đội QLTT Chống hàng giả khẳng định, Đội tăng cường trinh sát, nắm chắc diễn biến tại cơ sở. Đội QLTT các huyện, TP cũng xây dựng phương án phối hợp, cùng các phòng, ban, lực lượng liên quan thường xuyên kiểm tra. Trong đó, hằng năm, Đội QLTT huyện Tân Yên tham mưu UBND huyện thành lập tổ công tác liên ngành, có sự tham gia của Phòng Nông nghiệp và PTNT, Công an, Chi cục Thuế huyện… Đội QLTT Lục Ngạn cùng các phòng chuyên môn rà soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về điều kiện kinh doanh phân bón.
Ông Chu Thanh Hiến, Phó Chi cục trưởng, Chi cục QLTT cho biết: "Hành vi vi phạm về phân bón còn tinh vi, khó phát hiện. Do đó, Chi cục QLTT đề nghị người dân khi nghi ngờ hoặc sử dụng phân bón xảy ra hiện tượng bất thường cần thông tin kịp thời cho các đội QLTT để kiểm tra. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng".
Hồng Dương