Không để phát sinh công trình trái phép trên đất đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh
Hướng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phải được tính toán kỹ để giảm thiểu phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB), đảm bảo hài hòa lợi ích KT-XH, QP-AN và hạn chế ảnh hưởng đến công trình, đời sống người dân.
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh tại buổi làm việc nghe báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát về phương án tuyến, các giải pháp thiết kế công trình trên tuyến đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt – Kỳ Anh diễn ra sáng nay (22/6).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bãi Vọt – Kỳ Anh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được triển khai với tổng chiều dài gần 88 km, đi qua địa phận các địa phương: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.
Dự án sẽ có 2 đoạn, trong đó, đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi có chiều dài tuyến 34,34 km, đoạn Hàm Nghi – Kỳ Anh có chiều dài tuyến 53,4 km.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 15,2 nghìn tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng gần 9 nghìn tỷ đồng, chi phí GPMB hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, tư vấn, quản lý và các chi phí khác.
Đại diện Sở GTVT báo cáo kết quả rà soát hướng tuyến đường bộ cao tốc.
Trên cơ sở thực tế tại hiện trường sau khi kiểm tra, rà soát phương án tuyến, các giải pháp công trình, Sở GTVT đã tổng hợp các nội dung ảnh hưởng và các lưu ý, kiến nghị nhằm hạn chế ảnh hưởng đến các khu dân cư, quy hoạch, công trình, dự án…
Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Hữu Khanh: Cần nghiên cứu phương án khi đường đi qua các công trình hồ, đập, công trình nước sinh hoạt để không ảnh hưởng đến môi trường.
Sau khi báo cáo dự kiến các nội dung ảnh hưởng trong phạm vi hướng tuyến qua các địa phương, đại diện Sở GTVT đề nghị đơn vị chủ đầu tư, tư vấn xử lý giảm thiểu phạm vi GPMB đối với các đoạn tuyến qua khu dân cư và các khu vực có công trình văn hóa, nghĩa trang; nghiên cứu các giải pháp xử lý tại các điểm giao cắt với hệ thống giao thông các địa phương nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người dân; thiết kế các hầm chui, cống chui, đường gom phù hợp quy hoạch…
Phó Giám đốc Sở Công thương Dương Thanh Hòa: Những nội dung có liên quan đến công trình điện, Sở sẽ phối hợp, chủ trì làm việc với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và các đơn vị liên quan để xử lý, điều chỉnh.
Các sở, ngành tiếp tục chủ động phối hợp thông báo cho các chủ dự án/công trình xây dựng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến để kịp thời điều chỉnh, tránh lãng phí.
Dại diện đơn vị tư vấn giải trình một số vấn đề và đề xuất phương án điều chỉnh một số hướng tuyến, các phương án so sánh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đã thảo luận, góp ý chi tiết và đề xuất đơn vị chủ đầu tư, tư vấn xây dựng, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn và nhằm giảm thiểu phạm vi GPMB, đảm bảo môi trường, không bị ảnh hưởng bởi thủy văn (tránh xảy ra tình trạng ngập úng)…
Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ: Đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục có góp ý bằng văn bản đề hoàn chỉnh hướng tuyến đường bộ cao tốc.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để có phương án đảm bảo hiệu quả nhất về mặt KT-XH và phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, huyện, các ngành, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các đại biểu, tổng hợp đưa vào quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Trong đó, phải ưu tiên soát xét các yếu tố liên quan đến các công trình QP-AN; các công trình thủy lợi, tiêu thoát nước; tránh các công trình văn hóa, di tích lịch sử, khu dân cư sầm uất để giảm chi phí GPMB.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải sớm có báo cáo bằng văn bản những vấn đề thống nhất, chưa thống nhất và những góp ý, lưu ý cho đơn vị tư vấn để tham khảo. Đặc biệt, một số lĩnh vực chưa có thông tin cụ thể cần sớm cung cấp cho đơn vị tư vấn.
Các đơn vị quân sự, quốc phòng làm rõ thêm các thông tin, các giải pháp kỹ thuật để có phương án đảm bảo hài hòa các lợi ích QP-AN, KT-XH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các nút giao giao thông cơ bản đã được thống nhất cao, riêng nút giao trên đường Hàm Nghi cần phải tiếp tục nghiên cứu phương án phù hợp nhất. Các địa phương xem xét nghiên cứu quỹ đất, để đề xuất tỉnh các phương án cầu, đường dân sinh, đường gom để phục vụ các bước tiếp theo của dự án.
Trong thời gian tới, các địa phương phải tăng cường quản lý sử dụng đất khu vực dự kiến hướng tuyến, quản lý nghĩa trang, không để phát sinh các công trình trái phép. Chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến các khu tái định cư.
Sở GTVT, TN&MT tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên đất đai liên quan đến các khu vực dự án. Các sở, ngành tham mưu cấp phép, chủ trương đầu tư phải phù hợp với hướng tuyến của đường cao tốc.