Không để thiếu sách giáo khoa

Chuẩn bị cho năm học mới, việc đầu tiên học sinh cần phải có là bộ sách giáo khoa (SGK). Theo khảo sát, năm học 2024 - 2025, nhu cầu về SGK đối với cấp THPT trên địa bàn toàn tỉnh cần khoảng 16.500 bộ sách; 39.265 bộ sách cấp THCS và 74.891 bộ sách cấp tiểu học. Không để học sinh thiếu SGK, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động nguồn SGK, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Đoàn Thanh niên Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Hải Dương trao tặng tủ sách cho Trường THCS xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên).

Đoàn Thanh niên Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Hải Dương trao tặng tủ sách cho Trường THCS xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên).

Hơn 1 tháng nữa năm học 2024 - 2025 mới khai giảng, thế nhưng các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị SGK, trang thiết bị, đồ dùng học tập sẵn sàng cho năm học mới. Năm học 2024 - 2025, toàn huyện Điện Biên có trên 16.000 học sinh phổ thông, trong đó số học sinh có nhu cầu mua SGK mới khoảng 7.000 học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không tổ chức mua SGK tập trung mà chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh tự mua sách trước khi bước vào năm học mới. Chỉ đạo các trường tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình chuẩn bị SGK, đồ dùng học tập của từng lớp, từng học sinh để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Đối với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, gia đình không có điều kiện tự mua SGK, đồ dùng học tập, nhà trường tổ chức cho phụ huynh làm cam kết ủy quyền cho nhà trường mua trước để các em có đầy đủ sách, vở khi bước vào năm học mới. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết: Căn cứ các quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường thông báo công khai, rộng rãi danh mục SGK tới phụ huynh và nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các gia đình tự mua sách, đơn vị đã trích nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để mua SGK và tài liệu tham khảo cho thư viện các trường. Chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, vận động học sinh ở những lớp trên quyên góp, ủng hộ lại SGK đã sử dụng cho học sinh khóa sau. Tăng cường công tác vận động tài trợ, huy động từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tặng sách, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm học 2023 - 2024, toàn ngành đã quyên góp, ủng hộ, huy động từ các nguồn tài trợ được khoảng 8.000 bộ SGK cho học sinh.

Học sinh Trường THCS Thanh Yên ủng hộ sách, truyện cho học sinh khóa sau.

Học sinh Trường THCS Thanh Yên ủng hộ sách, truyện cho học sinh khóa sau.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự chủ động huyện Mường Nhé đã chuẩn bị khá đầy đủ nguồn SGK, trang thiết bị dạy học cho năm học mới. Để đảm bảo các điều kiện, sẵn sàng cho năm học tiếp theo, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé đã ban hành Văn bản số 371/HD-PGDĐT ngày 7/5/2024 về việc rà soát nhu cầu SGK, vở viết cho năm học 2024 - 2025. Theo đó, 100% đơn vị trường học đăng ký nhu cầu SGK, vở viết cho học sinh phục vụ năm học mới với số lượng 6.385 bộ SGK cấp tiểu học; 3.645 bộ SGK cấp THCS và 65.995 quyển vở viết.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé chia sẻ: Về thực hiện chương trình GDPT 2018, các đơn vị trường học đã huy động tối đa phụ huynh có con em thuộc diện được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định 81/NĐ-CP mua đủ SGK cho học sinh; số còn lại được hỗ trợ từ thư viện của nhà trường hoặc nhận từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm... Đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn, Phòng ưu tiên lập danh sách đề nghị hỗ trợ từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tặng hàng năm. Đồng thời, kêu gọi các nhà tài trợ, các mạnh thường quân cho tặng SGK, vở viết và đồ dùng học tập để đảm bảo tất cả học sinh đến trường đều có sách và vở viết phục vụ nhu cầu dạy và học.

Các trường trên địa bàn huyện Mường Nhé vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Các trường trên địa bàn huyện Mường Nhé vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với cả nước, năm học 2024 - 2025, tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 5, 9, 12; do đó cần đầu tư, bổ sung nhu cầu về SGK và trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của các khối lớp này. Đến nay, số lượng SGK do các nhà xuất bản cung cấp đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh các cấp học (đảm bảo mỗi học sinh có 01 bộ SGK). Về trang thiết bị dạy học, năm học 2023 - 2024 các cơ sở giáo dục phổ thông có 2.191 bộ thiết bị dạy học (đáp ứng khoảng 87,6% nhu cầu). Trong đó, các trường phổ thông trực thuộc cấp huyện có 2.103 bộ thiết bị dạy học từ lớp 1 đến lớp 9 (đáp ứng khoảng 88,11%). Các trường phổ thông trực thuộc Sở có 88 bộ thiết bị dạy học từ lớp 6 đến lớp 12, tỷ lệ đáp ứng khoảng 76,5%.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong điều kiện ngân sách hạn chế, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát thiết bị dạy học đã có, chỉ đề xuất mua sắm bổ sung những thiết bị dạy học không thể kế thừa, thay thế bằng các thiết bị có sẵn. Trên cơ sở đề xuất của các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPT 2018 cho các khối lớp theo lộ trình thay SGK từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục được giao và nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những năm qua, Sở phối hợp với các nhà xuất bản tặng SGK cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tặng 570 bộ sách và năm học 2023 - 2024 tặng 1.330 bộ sách; 20 tủ sách dùng chung tại 4 huyện với tổng số 2.560 bộ sách lớp 1, 2, 3, 4. Đồng thời chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK chương trình GDPT 2018 cho thư viện nhà trường sau mỗi năm học để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu SGK...

Thầy và trò Trường PTDTBT THCS Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) sắp xếp SGK, chuẩn bị cho năm học mới.

Thầy và trò Trường PTDTBT THCS Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) sắp xếp SGK, chuẩn bị cho năm học mới.

Giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn đảm bảo đủ điều kiện về SGK, trang thiết bị, đồ dùng học tập, ngành Giáo dục đã tăng cường xây dựng thư viện thân thiện, tủ sách dùng chung tại các cơ sở giáo dục phổ thông để học sinh đọc, mượn SGK, sách tham khảo. Với những giải pháp, cách làm đã triển khai mong rằng sẽ không có học sinh thiếu SGK khi bước vào năm học mới.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/216861/khong-de-thieu-sach-giao-khoa