Không để thiếu thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ
Dịch đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch.
Theo Bộ Y tế, dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước. Do tính chất lây lan mạnh, nhiều trường học có tình trạng đến nửa lớp lây đau mắt đỏ.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 71.000 người bị đau mắt đỏ. Đồng thời, dịch bệnh đau mắt đỏ cũng diễn ra tại các tỉnh, thành phố khác như Quảng Nam, Bình Phước, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình. Tần suất nhiễm bệnh này trong cộng đồng cao gấp 3-4 lần so với năm ngoái.
Nhiều địa phương, trẻ em đến khám đau mắt đỏ chiếm 50%. Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận trung bình mỗi tuần có 800 ca đau mắt đỏ đến khám, nhiều ca là trẻ em bị biến chứng nặng do người dân chủ quan tự điều trị tại nhà.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND quan tâm chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở này chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế.
Khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.
Các cơ sở giáo dục mầm non cần bảo đảm vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/khong-de-thieu-thuoc-dieu-tri-benh-dau-mat-do-i707905/