Không để tồn tại nhà trọ vi phạm về an toàn PCCC
Hà Nội đang tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền và xử lý các vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các nhà trọ và cơ sở có nguy cơ mất an toàn.
Trong bối cảnh tình hình cháy, nổ tại các hộ gia đình, cơ sở tập trung đông người còn diễn biến phức tạp, việc tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Thành phố Hà Nội hiện có trên 69.000 cơ sở phải thực hiện các giải pháp tăng cường về PCCC theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội đang tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền và xử lý các vi phạm không để nhà trọ vi phạm về an toàn phòng cháy và cơ sở nguy cơ mất an toàn tồn tại.
Tại khu dân cư Yên Xá xã Tân Triều, Thanh Trì có rất nhiều nhà trọ cho thuê nằm sâu trong các con ngõ. Nhà được thiết kế dạng ống, kín mít và phần lớn đã được xây từ lâu nên chưa đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng cháy. Ví dụ, một tòa nhà trọ được chia thành hơn 100 phòng với toàn bộ tầng 1 dùng để xe, các tầng được chia nhỏ hẹp thành các phòng trọ cho thuê với hành lang chật hẹp. Dù đã được trang bị các thiết bị phòng cháy nhưng vẫn chưa đảm bảm an toàn.
Đại úy Trương Huy Dũng - Công an xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho hay: "Đối với cơ sở này, do thiếu xót trong trang bị PCCC, Công an huyện đã xử lý vi phạm hành chính với lỗi trang bị không đầy đủ. Ở đây, do số lượng người lớn và lối thoát nạn khẩn cấp ở khu vực khá nhỏ, khu vực tầng 1 để xe nên tồn tại nguy cơ cháy tầng 1 và ảnh hưởng đến tầng trên".
Xã Tân Triều hiện đang tồn tại hàng trăm nhà ở căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, kho xưởng, nhà ở kết hợp thuê trọ chưa đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý, đình chỉ các cơ sở cố tình vi phạm, lực lượng công an thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở các chủ cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy. Cùng với đó là duy trì tốt các tổ liên gia, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại cơ sở để kịp thời xử lý các vụ việc ngay khi vừa phát sinh.
Ông Nguyễn Huy Quang - Giám đốc điều hành Công ty Dũng Đông chia sẻ: "Công an hướng dẫn cho chúng tôi thành lập tổ kiểm tra các phương tiện phòng cháy chữa cháy, định kỳ một tháng một lần, công ty có một đội khoảng 6 người đi kiểm tra tất cả công cụ, dụng cụ hoặc bình vòi phun xem còn hoạt động hay không".
Theo Công an Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 69.712 cơ sở phải thực hiện các giải pháp tăng cường về phòng cháy chữa cháy theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có gần 40.000 nhà trọ, trên 29.300 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền, kiến nghị, phúc tra và yêu cầu 100% cơ sở ký cam kết thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy chữa cháy, đồng thời xử phạt và đình chỉ gần 5.000 trường hợp. Công an thành phố cho biết, từ ngày 15/4 đến 30/6/2025, sẽ ra quân thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc 100% chủ cơ sở, chủ hộ gia đình.