Không để tự chủ tuyển sinh gây 'tác dụng phụ'
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tuyển sinh.
Tuy nhiên, nếu tuyển sinh theo kiểu “mạnh ai nấy làm” có thể gây “tác dụng phụ”, ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông.
Ghi nhận trên toàn hệ thống cho thấy, mùa tuyển sinh năm nay, các cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển được các cơ sở áp dụng. Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, vô hình trung gây ra những khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn.
Trên thực tế, các phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo. Nhiều học sinh sau khi biết trúng tuyển sớm nên chủ quan, lơ đễnh, thậm chí bỏ bê, không muốn học. Nhiều em học trong tâm thế: Chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT để đủ điều kiện nhập học.
Chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để thích ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được dự lệnh có nhiều đổi mới. Vì thế, các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập. Bởi vậy, đã đến lúc, các đơn vị này cần nhìn nhận lại và không nên hình thành quá nhiều phương án xét tuyển. Làm sao các phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, xã hội.
Vẫn biết, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng phải trong khuôn khổ. Chúng ta không phủ nhận, tự chủ đã làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có công tác tuyển sinh. Song cần nhận diện những việc phải làm trong thời gian tới để tự chủ ngày càng cao hơn, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: Tự kiểm soát, tự điều tiết, tinh thần tự lực tự cường, biết mình ở đâu để tự soi, sửa, tự tin hơn để hành động, tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn…
Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục hoàn thiện văn bản, quy chế nội bộ. Bộ GD&ĐT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc này. Các nhà trường cần xây dựng và hoàn thiện đề án tự chủ theo quy định mới, tăng cường một số nội dung về bộ máy và các yếu tố khác liên quan.
Năm 2025 là năm đầu tiên diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, vấn đề tuyển sinh đại học cũng đứng trước thách thức đổi mới, để phù hợp với toàn hệ thống, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Vì thế hơn bao giờ hết, các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông. Bộ cũng hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-de-tu-chu-tuyen-sinh-gay-tac-dung-phu-post696428.html