Không dễ 'tự nguyện'
Kinhtedothi - Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức là một quy định mới. Tuy nhiên, nếu chỉ để thực hiện trên tinh thần tự nguyện thì tính khả thi không cao.
Bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý, là một đề xuất rất mới đang nhận được sự chú ý từ dư luận khi Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế thay thế các nghị định hiện hành.
Tinh giản biên chế, vấn đề luôn mang tính thời sự vì liên quan trực tiếp tới người lao động. Hiện chính sách tinh giản biên chế đang được thực hiện theo các Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, 113/2018/NĐ-CP và 143/2020/NĐ-CP.
Thực tiễn cho thấy, đây là một chủ trương đúng và đã mang lại hiệu quả nhất định, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tiết kiệm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng tinh giản biên chế, đạt và vượt trên 10% theo đúng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, như nhiều ý kiến nhận định, việc tinh giản biên chế mới thực sự đạt mục tiêu về mặt cơ học, “giản” mà chưa “tinh”.
Vì đối tượng tinh giản chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác, hay nói cách khác, giảm cả những người “tinh” (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà lại chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy ở bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có vị trí nhưng khó bố trí việc làm...
Thậm chí, thực tiễn có cả những trường hợp CBCCVC tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế. Vì vậy, họ lựa chọn làm việc với hiệu quả không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ - một trong những điều kiện để thực hiện tinh giản biên chế.
Việc sửa đổi Nghị định để đưa ra những quy định phù hợp hơn với thực tiễn, giải quyết được những vướng mắc hiện nay là cấn thiết. Trong Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, có nhiều điểm mới, trong đó, đáng chú ý là đề xuất bổ sung trường hợp tinh giản biên chế là CBCCVC trong thời gian bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện xin nghỉ và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Đề xuất này được cho rằng để phù hợp với tinh thần của Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Phải nói rằng, đề xuất rất mới này rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong công tác đánh giá CBCCVC hiện nay, bởi sẽ giúp tháo gỡ sự trì trệ, đảm bảo nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống”, kể cả với những công chức, viên chức bình thường vướng vào kỷ luật.
Tuy nhiên, nếu chỉ để thực hiện trên tinh thần tự nguyện thì tính khả thi không cao. Bởi dù vi phạm kỷ luật có thể là mất đi uy tín, một trong những lý do không hoàn thành nhiệm vụ của thời điểm đó, có thể xem xét đến quyết định đưa vào diện tinh giản biên chế nhưng với nhiều trường hợp cũng không phải lý do duy nhất để đưa vào diện này.
Thẳng thắn nhìn nhận, tự nguyện xin tinh giản khi bị kỷ luật không dễ dàng với mỗi cá nhân do nó liên quan đến lợi ích, quyền lợi, danh dự... thậm chí là "cơm áo" hằng ngày của chính người đó. Hơn thế nữa, muốn tinh giản cũng phải tuân theo những quy định cụ thể.
Thiết nghĩ, với đề xuất rất mới và đúng đắn này, cùng với tinh thần tự nguyện, rất cần thêm những quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện, mức độ, tính chất bị kỷ luật và những yêu cầu kèm theo… mới có thể thực thi, nếu được ban hành.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-tu-nguyen.html