Không dùng Mobile Money để thanh toán xuyên biên giới
Nội dung trên được quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/3021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, đối tượng thí điểm là doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông.
Khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money phải cung cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Đặt biệt, Quyết định số 316/QĐ-TTg nêu rõ, doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân. Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Về hạn mức, Quyết định số 316/QĐ-TTg quy định, hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.