Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề thi Ngữ văn: Khó hay dễ?

Áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy, kiểm tra và đánh giá, nhiều thầy cô, học sinh vẫn còn lúng túng tìm cách tiếp cận những tri thức mới.

Năm học 2024-2025 là năm học thứ 3 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp trung học phổ thông trên toàn quốc.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình mới là đổi mới phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học với phương châm lấy học sinh là trung tâm.

Để công tác triển khai dạy và học đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.

Theo đó, công văn nêu rõ: đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Việc này đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu các nhà trường tiếp tục nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, nhằm giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức vào bài thi.

Nhiều nhà trường vẫn đang nỗ lực trong công tác đổi mới dạy và học môn Ngữ văn

Đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.

Thầy Lê Tấn Hiền - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Hiệp Đức (Quảng Nam) chia sẻ: “Thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy và học môn Ngữ văn, tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch dựa trên kế hoạch tổng thể của chương trình mới. Đồng thời biên soạn các đề kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng kế hoạch của chương trình mới.

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng, chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất đó là biên soạn đề kiểm tra như thế nào để cho học sinh làm được bài, vận dụng được hết các kiến thức”.

Cô Đỗ Thị Nhân - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn) cho biết, cùng với các trường trung học phổ thông trên toàn quốc, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn có hiệu quả.

Qua đó, giáo viên không chú trọng bình giảng như trước mà chú trọng dạy cách tiếp cận các thể loại Văn học, tạo nên sự thay đổi rõ rệt và đa dạng trong phương pháp, kỹ thuật dạy học.

Đối với Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, việc xây dựng kế hoạch dạy học và triển khai đánh giá cũng nằm trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn. Với yêu cầu sự thay đổi trong công tác kiểm tra, đánh giá, bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhà trường đã xây dựng ngân hàng đề thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề minh họa thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ bắt nhịp ngay theo cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch sử dụng ngân hàng đề, câu hỏi. Mỗi khối sẽ có một ngân hàng đề riêng và hoàn toàn các ngữ liệu không nằm trong chương trình sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng sử dụng đa dạng phương pháp kiểm tra, đánh giá với các hình thức: hỏi đáp, viết và sản phẩm học tập, thực hành; kiểm tra nhiều lần nhiều lần lấy điểm 1 lần để đảm bảo sự công bằng, khách quan và khích lệ năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Cô Nhân cho hay: “Môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bám sát về đặc trưng thể loại cho nên mỗi 1 thể loại, nhà trường và tổ chuyên môn phân công các nhóm giáo viên để xây dựng ngân hàng đề theo đúng hình thức, số lượng câu hỏi và đảm bảo tỷ lệ giữa phần đọc hiểu và viết là 40-60%. Đối với phần đọc hiểu đáp ứng đúng yêu cầu: nhận biết 10%, thông hiểu 20%, vận dụng 10%”.

 Cô Đỗ Thị Nhân (áo vàng)- Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Ảnh: NVCC

Cô Đỗ Thị Nhân (áo vàng)- Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Ảnh: NVCC

Tại Trường Trung học phổ thông Hùng Vương (Phú Thọ), cô Lê Thu Hà - Tổ phó Tổ Ngữ văn cho biết, để đáp ứng yêu cầu đề thi của chương trình mới, nhà trường và tổ chuyên môn hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho công tác dạy và học, chủ động chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch giảng dạy từ sớm. Theo đó, việc đánh giá học sinh dựa trên 4 năng lực đọc, viết, nói, nghe.

“Để khơi gợi phát huy hết khả năng cảm nhận văn học, tôi tập trung hướng dẫn học sinh tìm hiểu và nắm chắc các đặc điểm của từng thể loại văn học, áp dụng vào việc cảm nhận, phân tích qua một số tác phẩm tiêu biểu.

Bên cạnh đó, tôi yêu cầu học sinh triển khai các dự án học tập, chú trọng việc đọc hiểu mở rộng, tiếp xúc và lý giải, cảm nhận được nhiều tác phẩm văn học khác nhau.

Đối với khả năng tư duy và kỹ năng viết, tôi hướng dẫn học sinh kĩ năng viết câu, viết đoạn văn, viết bài văn đáp ứng yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Ngoài ra, tôi hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm hiểu và rèn cách viết văn nghị luận đảm bảo lập luận thuyết phục, chặt chẽ”, cô Hà chia sẻ.

Giáo viên phải không ngừng tự bồi dưỡng kiến thức

Bên cạnh những nỗ lực của các nhà trường, tổ chuyên môn trong việc xây dựng kế hoạch đổi mới. Bản thân mỗi giáo viên cũng cần tự tìm tòi, tự bồi dưỡng để đảm bảo việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học được phát huy hết hiệu quả.

Thực tế trong công tác giảng dạy cho thấy, nhiều giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng để tìm ra phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá phù hợp.

Theo thầy Hiền, giáo viên Ngữ văn của nhà trường rất hứng thú với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhưng còn lúng túng trong khâu tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp và biên soạn đề thi. Bởi tìm được phương pháp có thể áp dụng cho mọi học sinh từ trung bình đến khá giỏi đặt ra rất nhiều thách thức cho các thầy cô.

“Trường Trung học phổ thông Hiệp Đức có khoảng 6 lớp là các em học sinh thuộc dân tộc thiểu số được tuyển thẳng và học lực còn ở mức trung bình, khá nên việc áp dụng phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới còn gặp nhiều khó khăn. Đối với các em học sinh có học lực khá, giỏi thì áp dụng phương pháp giảng dạy mới tạo được sự hứng thú cho các em rất tốt.

Nội dung sách giáo khoa chương trình mới có nhiều cái hay và tạo ra cho giáo viên một bước ngoặt mới. Các thầy cô có thể sáng tạo nhiều phương pháp, nhất là đối với những giáo viên trẻ, năng động. Tuy nhiên, một số thầy, cô giáo cũ vẫn còn quen với chương trình cũ, chưa thực sự cố gắng trong việc đổi mới giảng dạy.

Cái khó nhất là làm thế nào để dung hòa được giữa cái cũ và cái mới, làm thế nào để học sinh có thể học tập tốt ở chương trình học mới”, thầy Hiền cho hay.

 Sinh hoạt cụm chuyên môn môn Ngữ văn bàn về những thuận lợi, khó khăn khi giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Trường Trung học phổ thông Hiệp Đức chủ trì. Ảnh: NTCC

Sinh hoạt cụm chuyên môn môn Ngữ văn bàn về những thuận lợi, khó khăn khi giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Trường Trung học phổ thông Hiệp Đức chủ trì. Ảnh: NTCC

Cũng theo thầy Hiền, hiện tại các thầy, cô và học sinh nhà trường vẫn đang “tập” làm quen với phương pháp dạy và học theo chương trình mới và cần cố gắng nhiều hơn nữa trong việc thực hiện đổi mới.

Cô Nhân cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ giáo viên. Thách thức lớn nhất đó là các thầy cô phải thực sự đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm ra phương pháp đáp ứng được yêu cầu của chương trình.

Bên cạnh đó, các thầy cô phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng kiến thức. Thực tế, trong bối cảnh dạy học và áp dụng công nghệ số nhiều thầy cô vẫn còn khá lúng túng trong việc sử dụng công nghệ thông tin và ứng dụng dạy học số, do vậy cũng bị hạn chế phần nào về chất lượng, hiệu quả dạy học.

Cùng thực tế đó, cô Hà chia sẻ: “việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu bước sang năm thứ 3 đối với bậc trung học phổ thông nhưng một số giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ và dấu ấn sự đổi mới chưa nhiều. Trong thời gian tới, giáo viên cần mạnh dạn hơn, tiếp tục cải tiến phương pháp dạy học theo hướng phát huy được các năng lực và phẩm chất của học sinh”.

Thoát ly khỏi sách giáo khoa là điều nên làm

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, trong đó có hướng dẫn việc triển khai kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, thoát ly khỏi sách giáo khoa là điều nên làm, tránh học tủ, học vẹt, đặt ra yêu cầu học sinh phải rời xa văn mẫu.

Cô Nhân nêu quan điểm rằng: “Tôi thấy việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa để ra đề thi có rất nhiều ưu điểm, tích cực.

Thứ nhất, hạn chế được tình trạng học sinh học gì biết nấy, các em học sinh không còn học tủ, học vẹt như trước kia.

Thứ hai, giúp các em tăng khả năng tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập và làm bài kiểm tra.

Thứ ba, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 giúp các em phát triển rất nhiều năng lực, phẩm chất cần thiết, ví dụ như năng lực văn học, năng lực cảm thụ, năng lực viết,..

Thứ tư, việc ra ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa đem đến cho giáo viên một không gian để thỏa sức sáng tạo phương pháp, cách tổ chức dạy học”.

Bên cạnh những mặt tích cực đó, cô Nhân chia sẻ, việc lấy ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa để ra đề thi có thể gặp nhiều khó khăn.

Một trong những lý do đó là học sinh Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ và học sinh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đa phần là học sinh vùng núi thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nên các em thường chưa xác định được mục đích, động cơ học tập, thêm vào đó là năng lực tiếp cận và cảm thụ văn học còn hạn chế. Vì vậy, các em có phần lo lắng khi đề thi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Cùng quan điểm, thầy Hiền cho hay, việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa làm đề kiểm tra có thể phát huy cá tính, sự sáng tạo của học trò nhiều hơn, tránh việc học sinh lạm dụng văn mẫu và học thuộc.

Từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các thầy cô trong tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hiệp Đức đã biên soạn đề kiểm tra với các ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, đánh giá còn nhận thấy chất lượng bài làm của các em chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều học sinh còn lúng túng, thiếu tự tin trong làm bài.

Từ đó nhận thấy rằng, cái khó nhất trong việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài là dạy học như thế nào, biên soạn đề thi ra sao để học sinh có thể hoàn thành tốt bài kiểm tra, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Với những khó khăn trong thực tế giảng dạy, thầy Hiền mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát ý kiến các cơ sở giáo dục trên toàn quốc để tiếp tục có những điều chỉnh, hoàn thiện đề minh họa cho phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Để đảm bảo có sự thống nhất chung trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá giữa kì, cuối kì, thầy Hiền còn đề xuất cần có kế hoạch tập huấn kỹ càng cho các nhà trường, thầy cô giáo để nắm chắc các yêu cầu, mục tiêu của chương trình mới.

 Cô Lê Thu Hà - Tổ phó Tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Cô Lê Thu Hà - Tổ phó Tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Nhận thấy mặt tích cực của việc thay đổi phương pháp dạy và học môn Ngữ văn, sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa để ra đề thi, cô Hà cho hay: “Việc đổi mới này giúp học sinh hoàn toàn thoát ly cách dạy học thụ động, thoát ly văn mẫu, văn học thuộc, tăng cường năng lực tư duy logic, hướng tới nhiều kiểu/loại văn bản, tăng cường năng lực giao tiếp và ngôn ngữ cho học sinh”.

Đề thi Tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Ngữ văn, trong đó chú trọng cả năng lực đọc hiểu và viết, chú trọng cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học, ngữ liệu hoàn toàn mới, đặc biệt với ngữ liệu văn học. Cấu trúc đề được phát triển với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Tuy nhiên, tôi đề xuất ở yêu cầu tạo lập văn bản phần làm văn (viết bài văn nghị luận) không nên giới hạn số chữ để học sinh được phát huy hết năng lực, sức sáng tạo của mình”.

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-dung-ngu-lieu-trong-sach-giao-khoa-de-ra-de-thi-ngu-van-kho-hay-de-post244672.gd